Sự kiện do Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia phối hợp Ban An toàn giao thông TP Hà Nội, Thành đoàn Hà Nội và Công an TP Hà Nội tổ chức tại Công viên Thống Nhất, Hà Nội. Sự kiện đặt mục tiêu nâng cao nhận thức cộng đồng về an toàn giao thông với thông điệp "Mũ chuẩn an tâm – Hành trình rộng mở".

Lực lượng Cảnh sát giao thông diễu hành tại lễ phát động đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn. Ảnh: HVN
Theo đó, chiến dịch này hướng tới việc hình thành thói quen đội mũ bảo hiểm đạt tiêu chuẩn cho người đi môtô, xe gắn máy, xe máy điện và xe đạp điện. Mục tiêu là tăng tỷ lệ đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn cho người dân, đặc biệt là học sinh, thanh thiếu niên, hướng đến "không có tử vong do tai nạn giao thông" vào năm 2045.
Tuy nhiên, nhiều người tham gia giao thông vẫn sử dụng các loại mũ kém chất lượng, hoặc không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông, tiềm ẩn nguy hiểm cho bản thân và cộng đồng. Do đó, các cơ quan nhà nước, địa phương đã tích cực triển khai các hoạt động để thay đổi nhận thức và hành vi của người sử dụng xe.

Đại diện ban tổ chức so sánh sự khác biệt của hai loại mũ bảo hiểm đạt chuẩn và không đạt chuẩn. Ảnh: HVN
Hiệp hội Các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM) hỗ trợ sự kiện này thông qua việc cung cấp mũ bảo hiểm đạt tiêu chuẩn, cam kết dành doanh thu từ bán mũ để đóng góp vào quỹ hỗ trợ các nạn nhân tai nạn giao thông tại Hà Nội. Sự kiện còn bao gồm nhiều hoạt động tuyên truyền, đào tạo an toàn giao thông như: hướng dẫn đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn, phân biệt mũ kém chất lượng, triển khai đội hình "Giao thông xanh", đào tạo kỹ năng tham gia giao thông an toàn...
Tại sự kiện, ông Koji Sugita, Tổng Giám đốc Honda Việt Nam, kiêm Chủ tịch VAMM, cho biết giáo dục và nâng cao nhận thức về an toàn giao thông là ưu tiên hàng đầu của VAMM và các thành viên, đặc biệt hướng tới nhóm học sinh, thanh thiếu niên. "Hiểu biết về kiến thức an toàn giao thông quan trọng hơn nhiều so với chỉ kỹ năng lái xe đơn thuần, đặc biệt là cách nhận biết rủi ro tồn tại trên đường", ông Koji Sugita nói. "Những kiến thức về an toàn giao thông có thể giúp bảo vệ mạng sống của nhiều người, đó là lý do chúng tôi ưu tiên tập trung vào giáo dục".

Ông Koji Sugita, Tổng Giám đốc Honda Việt Nam, kiêm Chủ tịch VAMM tại sự kiện. Ảnh: HVN
Ông cho biết Honda Việt Nam đã trao tặng hai triệu mũ bảo hiểm đạt chuẩn mỗi năm cho học sinh lớp một trên toàn quốc, nhằm giúp các em có thói quen ngay từ khi còn nhỏ. Đồng thời, Chủ tịch VAMM cũng nhấn mạnh vai trò đi đầu của các cơ quan nhà nước, sự tham gia của Đoàn thanh niên đóng vai trò quan trọng trong việc triển khai hiệu quả các chiến dịch này.
Tuấn Vũ
Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về mũ bảo hiểm cho người đi môtô, xe máy
(QCVN 2: 2008/BKHCN)
2.3. Ghi nhãn
2.3.1. Nội dung ghi nhãn mũ thực hiện theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hoá
2.3.2. Nhãn phải được ghi một cách rõ ràng, bền vững (không phai mờ) trên bề mặt trong hoặc ngoài mũ
2.3.3. Nhãn của mũ sản xuất trong nước tối thiểu phải bao gồm các thông tin sau:
- Tên sản phẩm: Phải có cụm từ "Mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy".
- Tên và địa chỉ cơ sở sản xuất
- Cỡ mũ.
- Tháng, năm sản xuất
2.3.4. Nhãn phụ của mũ nhập khẩu tối thiểu phải bao gồm các thông tin sau:
- Tên sản phẩm: Phải có cụm từ "Mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy"
- Tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân nhập khẩu và phân phối
- Xuất xứ hàng hóa
- Cỡ mũ.
- Tháng, năm sản xuất