Hà Nội đất chật người đông, giao thông mỗi lúc thêm khó khăn nên tư tưởng không thông thì đường không đông cũng tắc. Đường Hà Nội vào các dịp lễ lớn rất hay tắc.
Tôi đi xe máy nhìn ôtô vất vả nhích từng chút một, còn xe máy cơ động hơn lên dễ thoát tắc đường hơn.
Tôi và một đứa em cùng chung cư đi cùng một chiếc xe máy đi làm (đứa em là tài xế chính) để tiết kiệm tiền xăng chung cho nhau. Tôi phát cáu vì nhiều lần cậu ấy "tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa" khi đi đường Hà Nội.
Cụ thể là cậu ấy rất thích chui vào đường ngõ nhỏ, đường chợ. Thậm chí đi sang ổ tắc to hơn. Cậu ta rất thích lấn làn, bóp còi liên tục, thậm chí còn quát mắng người đi đường.
Sau rất nhiều lần gắt gỏng với đứa em, tôi đã ra quy định. Thời gian là ưu tiên số một, thà vòng hơn chục km còn hơn là chịu tắc đường trong 5 km. Thời gian nổ máy 90 phút chắc chắn hao xăng hơn ga đều trong 30 phút.
Ví dụ từ phía Tây Hồ mà đi về Ocean Park (nhà tôi ở Gia Lâm) thì nên đi vòng lên cầu Nhật Tân, cầu Đông Trù mà đi. Đi 70 km/h đều trong quãng đường xa hơn chục km chắc chắn sẽ thoải mái hơn đi cùng lắm 60 km/h mà phải cảnh giác liên tục do yếu tố đô thị. Hạn chế rẽ nhánh nhiều. Thà đi thẳng còn hơn là rẽ nhánh gây ức chế, rối rắm.
Tôi từ Trần Hưng Đạo đi cầu Vĩnh Tuy thì cậu ấy đi rẽ phải vào Bà Triệu, xong rẽ vào Trần Nhân Tông với Trần Xuân Soạn, rồi lại rẽ phải đi Ngô Thì Nhậm, xong lòng vòng ra Lò Đúc và đi Nguyễn Khoái.
Tôi bực mình hỏi là sao em không đi hết phố Trần Hưng Đạo ra bệnh viện 108 rồi đi Trần Khánh Dư cho nhanh. Em ấy nói là đi kiểu của em nhanh hơn. Tôi cạn lời luôn. Không có nhu cầu thì không bao giờ đi ngang qua mấy khu phố nhỏ hẹp nhiều chợ búa cho dù ngắn hơn, cứ đường to mà đi chớ quàng bụi rậm.
Tuy là xe máy cơ động thật đấy nhưng lại phải nhìn liếc xung quanh, đề phòng trẻ con lao ra đường bất ngờ, tránh xe đang đỗ. Có khi chỉ cần có xe đỗ lại không gọn gàng thôi là đủ mệt mỏi rồi. Đó còn chưa kể là va quẹt rồi cãi nhau. Đi đường to thì chỉ cần tuân thủ tốc độ, giữ khoảng cách, quan sát một chút xung quanh là ổn.
Đường nào phân luồng rõ ràng có đèn có công an với cả mật độ ô tô ít thì đi. Ở Hà Nội tuy rất cố gắng nhưng vẫn có những đường quy hoạch cực kỳ bất cập. Tôi với đứa em đi từ Hòa Lạc để lên cầu Vĩnh Tuy, cậu ấy thay vì đi Trần Duy Hưng - Láng thì chui vào Khuất Duy Tiến - Nguyễn Trãi.
Cung đường đó đúng là thảm họa vì mật độ vô cùng lớn (người ta cắm cấm cả dừng lẫn đỗ là hiểu vấn đề) do nhiều cơ quan, trụ sở, trường học, lại còn vành đai 3 trên cao nữa. Chúng tôi khó khăn lắm mới thoát khỏi nút giao cuối Đại lộ Thăng Long do quá nhiều xe rẽ phải, rồi mất hơn tiếng mới rẽ được vào Nguyễn Trãi, đường Nguyễn Trãi còn nhiều giao cắt nữa.
Tôi bực mình hỏi: Sao em không đi vào hầm chui Trung Hòa mà đi trục Khuất Duy Tiến làm gì? Cậu em trả lời tôi là đường này ít đèn - Bó tay. Trục Trần Duy Hưng - Láng có đèn điều tiết, quy hoạch khoa học hơn nên chắc chắn "dễ thở" hơn trục Khuất Duy Tiến - Nguyễn Trãi.
Điều nữa là hạn chế bóp còi liên tục vì chả ai muốn chịu cảnh tắc đường cả. Nhỡ người ta tức giận rồi cho vỡ gương xe thì cười. Còi chỉ để giúp cho người đi trước tránh bị tai nạn do mình gây ra, hoặc nhắc người ta chú ý chứ không phải còi để dẹp đường.
Còi nguyên bản xe máy thôi đã đủ đề người khác khó chịu rồi. Với những nguyên tắc trên, sau một thời gian thì cậu lái xe cũng quen dần thế là đi lại nhẹ nhàng ít bị tắc, mà có tắc thì ít bực bội hỏng việc.
Đây là trải nghiệm cá nhân của tôi thôi, tôi muốn chia sẻ với các bạn.
Các cụ bảo "tư tưởng không thông, vác bình tông cũng nặng", tôi xin nhại lại "tư tưởng không thông đường không đông cũng tắc". Chúc cả nhà vui vẻ an lành bất kể là đường thông hay đường tắc.
An Thái