Anh cưới vợ năm 28 tuổi, sinh một con trai, một năm nay bị rối loạn cương dương, ảnh hưởng hạnh phúc gia đình. Để cải thiện chức năng tình dục, anh tự tìm hiểu trên mạng, uống rượu ngâm, dùng một số thực phẩm chức năng, tình trạng ngày càng tăng. Anh đến Viện Sức khỏe Tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) khám, bác sĩ chẩn đoán mắc rối loạn cương dương - rối loạn lo âu và trầm cảm, sau một tháng điều trị sức khỏe mới ổn định.
TS.BS. Nguyễn Thị Phương Mai, Đơn nguyên Sức khỏe Tình dục và Giới tính, Viện Sức khỏe Tâm thần, cho biết rối loạn cương dương là một trong những rối loạn chức năng tình dục phổ biến ở nam giới. Hiệp hội Y học tình dục thế giới định nghĩa đây là tình trạng không có khả năng đạt được và duy trì độ cương cần thiết để thực hiện giao hợp trọn vẹn. Tình trạng này lặp đi lặp lại kéo dài ảnh hưởng đến tâm lý người bệnh và làm căng thẳng mối quan hệ lứa đôi.
Rối loạn cương có thể do nguyên nhân thực thể hoặc tâm lý, nhiều trường hợp kết hợp cả hai. Ở nam giới trẻ và trung niên, nguyên nhân thường do tâm lý, nhất là trầm cảm lo âu, stress...
"Rối loạn cương dương và rối loạn lo âu trầm cảm tác động lẫn nhau", bác sĩ Mai nói, thêm rằng người bệnh cần gặp bác sĩ chuyên khoa tâm thần để điều trị phù hợp. Các biện pháp bao gồm hóa dược, liệu pháp tâm lý như giáo dục về tình dục, thư giãn, nhận thức hành vi, liệu pháp cặp đôi và nhiều phác đồ khác.
Người bệnh cần xây dựng lối sống lành mạnh giúp duy trì sức khỏe mạch máu do bệnh thường liên quan đến các vấn đề về lưu lượng máu, tuân thủ theo y lệnh bác sĩ. Nam giới nói chung nên tập một số bài tập cải thiện tình trạng rối loạn cương dương như bài tập kegel để tăng cường cơ sàn chậu. Tập aerobic, tập thể dục với cường độ vừa phải đến mạnh làm tăng lưu lượng máu giúp điều trị rối loạn cương.
Lê Nga