Theo Sở Y tế tỉnh Bắc Kạn, ngày 12/11 người này đau mỏi, nhức hai chân từ đầu gối trở xuống. Bốn ngày sau, bệnh nhân đến Trung tâm Y tế huyện Chợ Đồn khám với các triệu chứng không ăn, không ngủ, giật tay chân, hoảng hốt, dãi chảy ra khóe miệng, sợ gió, sợ ánh sáng, tăng tiết đờm dãi, buồn nôn, nôn khan liên tục, rùng mình từng cơn.
Bệnh nhân được chuyển đến Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Kạn, ngày 18/11, triệu chứng ngày càng nặng. Bác sĩ chỉ định chuyển Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), tuy nhiên sức khỏe người bệnh chuyển xấu, gia đình xin đưa về nhà, tử vong trong đêm.
Bác sĩ Mai Thị Thúy, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bắc Kạn, cho biết kết quả xét nghiệm mẫu bệnh phẩm dương tính với virus dại, kết luận "bệnh nhân tử vong do bệnh dại". Tuy nhiên gần đây người này không tiếp xúc hay bị chó, mèo cắn. Khai thác tiền sử, người nhà cho biết bệnh nhân bị chó cắn cách đây khoảng 4 năm, không tiêm phòng dại.
Đặc thù của bệnh dại là thời gian ủ bệnh dài và phát hiện bệnh muộn. Thông thường thời gian ủ bệnh là 1-3 tháng sau khi bị chó, mèo cắn, nhiều trường hợp lên cơn dại chỉ sau một tuần hoặc có người đến vài năm. Khi vết chó cắn đã liền sẹo, nạn nhân quên mất từng bị chó cắn, như bệnh nhân này là 4 năm. Hồi tháng 10, cô gái 18 tuổi, ở Cao Bằng cũng tử vong do phát bệnh dại sau hai năm bị chó cắn mà không tiêm phòng.
"Tùy thuộc vào sức đề kháng của bệnh nhân và tình trạng vết cắn, vị trí và số lượng virus xâm nhập, thời gian phát bệnh dại ở mỗi người sẽ khác nhau", bác sĩ Thúy nói.
Bệnh dại lây truyền chủ yếu qua vết cắn, cào, liếm của con vật mắc bệnh dại lên vùng da tổn thương. Bệnh có thể dự phòng bằng vaccine hay huyết thanh kháng dại, tiêm ngay lập tức và đúng phác đồ có thể phòng bệnh 100%. Khi đã lên cơn dại, tỷ lệ tử vong gần như 100% đối với cả người và động vật. Biểu hiện của bệnh dại trên người là sợ nước, sợ gió, co giật, liệt.
Tại Việt Nam, bệnh dại được ghi nhận quanh năm, thường tăng từ tháng 5 tới tháng 8 do thời tiết nóng ẩm thuận lợi cho virus dại phát triển. 9 tháng đầu năm, cả nước ghi nhận 40 ca tử vong do bệnh dại. Bệnh có xu hướng tăng trong hai năm gần đây.
Bác sĩ khuyến cáo bệnh dại cực kỳ nguy hiểm, chưa có thuốc trị. Nhiều trường hợp tử vong vì không nhận thức được sự nguy hiểm của bệnh, hoặc chủ quan không tiêm vaccine phòng dại sau phơi nhiễm.
Khi bị chó, mèo cắn, cào, liếm, nên rửa kỹ vết thương bằng nước và xà phòng trong 15 phút, sau đó tiếp tục rửa vết thương bằng cồn 70%, cồn iod hoặc Povidone, Iodine. Tránh làm dập vết thương, không được băng kín vết thương. Tuyệt đối không dùng thuốc nam, không tự chữa, không nhờ thầy lang chữa bệnh dại.
Nên tiêm phòng đầy đủ cho chó, mèo nuôi và tiêm nhắc lại hàng năm. Không thả rông chó, mèo; chó ra đường phải đeo rọ mõm. Không đùa nghịch, trêu chọc chó, mèo.
Minh An