Chiếc F-15A phóng tên lửa ASM-135 ngày 13/9/1985. Video: USAF.
12h42 ngày 13/9/1985, thiếu tá Wilbert "Doug" Pearson thuộc không quân Mỹ bấm nút khai hỏa trên chiếc tiêm kích hạng nặng F-15A mang số hiệu 76-0084, phóng ra một quả tên lửa ASM-135 khi đang bay gần như thẳng đứng với tốc độ xấp xỉ vận tốc âm thanh ở độ cao 11 km so với Thái Bình Dương.
Mục tiêu của ông là vệ tinh Solwind P78-1 đang bay cách mặt đất 500 km với tốc độ 28.000 km/h. Phát đạn trúng đích đã đánh dấu lần đầu tiên một tiêm kích tiêu diệt thành công vệ tinh trên quỹ đạo trong lịch sử thế giới, theo Air Space Mag.
Nhiệm vụ của Pearson là kết quả của gần 30 năm chạy đua vào vũ trụ giữa Mỹ và Liên Xô, cũng như hàng loạt dự án vũ khí diệt vệ tinh (ASAT) nhằm vô hiệu hóa khí tài không gian của đối phương. Trong giai đoạn cuối thập niên 1950 đến đầu thập niên 1980, Mỹ và Liên Xô đã phát triển nhiều loại ASAT, nhưng không đưa vào biên chế do nhiều hạn chế.
Năm 1979, không quân Mỹ ký hợp đồng với tập đoàn LTV Aerospace để sản xuất tên lửa chống vệ tinh mới mang tên ASM-135 gắn trên tiêm kích F-15A. Tiêm kích F-15A đóng vai trò là tầng đẩy sơ cấp đưa quả tên lửa lên cao và đạt tốc độ xuất phát gần bằng vận tốc âm thanh. Tầng đẩy chính của tên lửa được tận dụng từ các dự án trước đó, trong khi đầu đạn và hệ thống đẩy giai đoạn cuối được phát triển mới và mang tên "Phương tiện thu nhỏ mang đầu dò" (MHV).
Điểm đặc biệt của ASM-135 là nó không sử dụng thuốc nổ, mà tận dụng động năng do va chạm trực tiếp để diệt vệ tinh. Điều này giúp giảm thiểu số mảnh vỡ sinh ra sau vụ đánh chặn, tránh gây ảnh hưởng đến các vệ tinh khác trên quỹ đạo.
"Máy bay F-15A được lựa chọn vì nhiều lý do. Nó có sức đẩy lớn, cho phép chúng tôi thực hiện động tác leo cao phù hợp trước khi phóng tên lửa. Nhà phát triển có thể tích hợp thêm nhiều hệ thống để phóng tên lửa mà không phải chỉnh sửa khung thân. Quan trọng nhất là nó đủ lớn và có khoảng trống để lắp tên lửa ASM-135, bởi nếu lắp trên tiêm kích F-16, quả đạn sẽ chạm mặt đất khi cất cánh", Pearson nhớ lại.

Tiêm kích F-15A mang quả đạn ASM-135 trong chuyến thử nghiệm năm 1982. Ảnh: USAF.
Dự án ASM-135 bắt đầu quá trình thử nghiệm vào năm 1982. Pearson và 4 phi công khác được huấn luyện cho nhiệm vụ này, bản thân ông thực hành đường bay tới hàng trăm lần trên nhiều địa hình và dải tốc độ khác nhau. Yếu tố quan trọng nhất là căn thời gian để bảo đảm tên lửa có thể đánh trúng mục tiêu.
Mỗi nhiệm vụ đánh chặn được khởi động từ trước thời điểm phóng đạn khoảng 24 giờ. Phi công và kỹ thuật viên mặt đất phải bảo đảm tên lửa và chiếc F-15A ở trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu, quỹ đạo vệ tinh và đường bay cũng được tính toán từ trước nhiều ngày. Quá trình này đòi hỏi sự chính xác tới từng phút, thậm chí là từng giây với thao tác khai hỏa.
Tổng cộng có 5 cuộc bắn đạn thật được thực hiện trong dự án ASM-135, trong đó vụ đánh chặn Solwind P78-1 là nhiệm vụ thứ ba, cũng là lần duy nhất có mục tiêu là vệ tinh thực tế. Những lần thử khác đều lấy mục tiêu là các ngôi sao trên bầu trời, nhằm đánh giá tính năng của đầu dò tên lửa.
Vụ thử dự kiến diễn ra ngày 4/9/1985 nhưng bị hủy do các thủ tục pháp lý, cũng như mối lo ngại về nguy cơ gây căng thẳng trước hội nghị thượng đỉnh giữa tổng thống Mỹ Ronald Reagan và lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev. Nhóm thử nghiệm quyết định lùi nó tới ngày 13/9.
9h10 sáng 13/9, Pearson điều khiển chiếc F-15A mang quả đạn ASM-135 cất cánh từ căn cứ không quân Vandenberg và hướng ra Thái Bình Dương. Bay kèm với ông còn có hai tiêm kích F-4E Phantom II để ghi lại quá trình phóng tên lửa.
"Tôi phải bay theo các điểm mốc trên máy tính, điều này đòi hỏi kỹ thuật bay rất tốt để có thể tới điểm mốc đúng thời gian, độ cao và tốc độ quy định", Pearson nhớ lại.
Tên lửa phải được phóng ở một vị trí và thời điểm nhất định, để bảo đảm nó có thể tiếp cận và va chạm chính xác với mục tiêu. Mỗi điểm mốc lại đòi hỏi độ chính xác ngày càng cao, gần như không cho phép phi công mắc sai sót trong quá trình bay. "Tôi đều đáp ứng chính xác mọi tham số khi tới điểm phóng đạn", Pearson nói.
3 tiếng rưỡi sau khi xuất phát, chiếc F-15A bay bằng ở độ cao 9,1 km và đã thực hiện một lần tiếp dầu trên không theo đúng kế hoạch. Pearson bật chế độ tăng lực, đưa máy bay lên tốc độ 1.400 km/h và bắt đầu kéo cao với góc 60 độ so với mặt đất. Việc leo lên độ cao 11 km khiến chiếc F-15A giảm tốc độ xuống còn 950 km/h, đó cũng là thời điểm Pearson nhấn nút khai hỏa.

Tên lửa ASM-135 tách khỏi máy bay và kích hoạt động cơ. Ảnh: USAF.
Quả đạn tách khỏi máy bay, khiến chiếc F-15A giảm hơn một tấn khối lượng, trước khi Pearson làm động tác xoay để nhìn rõ tên lửa. "Đó là một cảnh tượng rất đẹp, quả đạn dường như treo lơ lửng giữa bầu trời với một cột lửa phát ra từ phía đuôi. Sau đó nó vọt thẳng lên không gian trong chớp mắt", phi công Mỹ hồi tưởng.
Vào thời điểm đó, vệ tinh Solwind P78-1 đang bay qua bầu trời Hawaii với tốc độ 7 km/s, trong khi quả đạn ASM-135 đạt vận tốc 4 km/s. Tốc độ va chạm giữa tên lửa và mục tiêu là hơn 11 km/s với động năng cực lớn.
Sau khi phóng đạn, Pearson chỉ có thể chờ đợi và không biết chắc liệu tên lửa có bắn trúng đích hay không. Trước khi cất cánh, ông và người bạn Scott ở trung tâm điều khiển đã thống nhất hiệu lệnh để xác định kết quả vụ phóng.
Pearson sẽ nói "Đang bay bằng ở độ cao 11 km" để thông báo phóng thành công. Nếu quả đạn đánh trúng mục tiêu, Scott sẽ hồi đáp rằng "Nghe rõ, Aggie-1, độ cao ổn". Trong trường hợp bắn trượt, câu trả lời sẽ là "Nghe rõ, Aggie-1, khuyến cáo anh chuyển xuống độ cao 8,5 km" hoặc một con số khác.
"Tuy nhiên, Scott không phải nói gì cả. Anh ấy chỉ bấm nút thông thoại và tôi có thể nghe rõ tiếng hò hét ăn mừng trong phòng điều khiển", Pearson cho biết.
Pearson coi đó là một trong những sự kiện quan trọng nhất trong cuộc đời mình, khi Mỹ chứng tỏ khả năng diệt vệ tinh và vô hiệu hóa ưu thế không gian của Liên Xô. "Tôi nghĩ là nhóm thử nghiệm đã khiến vụ phóng tên lửa này trông có vẻ dễ dàng. Tôi cất cánh, bay ra biển, kéo cao và hủy diệt một vệ tinh. Đối phương không biết tới những khó khăn trong dự án này", ông cho biết.
Tuy nhiên, dự án ASM-135 không bao giờ được đưa vào ứng dụng trong thực tế. Quốc hội Mỹ thông qua đề xuất hạn chế ngân sách quốc phòng Mỹ, trong đó ngừng mọi chương trình ASAT để đổi lại việc duy trì sản xuất vũ khí hóa học.
Pearson về hưu năm 2005 với quân hàm trung tướng, sau khi giữ chức chỉ huy Trung tâm thử nghiệm không quân ở căn cứ Edwards. Con trai ông cũng trở thành phi công tiêm kích và trực tiếp lái chiếc 76-0084 trong một chuyến bay kỷ niệm sự kiện vào năm 2007.

Wilbert Pearson (trái) và con trai trước chuyến bay kỷ niệm năm 2007. Ảnh: USAF.