"Một dự án như vậy sẽ cần nhiều năm để có thể đi vào hoạt động", nhật báo El Pais cùng một số kênh truyền thông khác của Tây Ban Nha dẫn thông báo của Bộ Chuyển đổi Năng lượng Pháp về đề xuất hồi sinh đường ống khí đốt nối vùng Catalonia ở miền bắc Tây Ban Nha với miền nam nước Pháp, hay còn gọi là đường ống MidCat.
Tây Ban Nha và Đức "đang nỗ lực thúc đẩy để triển khai MidCat" nhưng chưa thể thuyết phục Pháp, El Pais cho biết thêm. Bộ trưởng Năng lượng và Môi trường Tây Ban Nha nói phần đường ống MidCat ở nước này có thể được hoàn thành trong "8 hoặc 9 tháng".
Dự án MidCat, với công suất dự kiến 7,5 tỷ m3 mỗi năm, được công bố năm 2013, nhưng vấp phải sự phản đối từ các nhà hoạt động môi trường. Pháp hủy dự án năm 2019 với lý do không khả thi về mặt tài chính. Ý tưởng hồi sinh MidCat xuất hiện từ tháng 5 do lo ngại về một cuộc khủng hoảng năng lượng nếu Nga cắt nguồn cung khí đốt.
Theo phía Pháp, quá trình nghiên cứu và chuẩn bị tài liệu liên quan dự án đường ống khí đốt sẽ mất nhiều thời gian. MidCat còn chưa chắc sẽ giúp hạ nhiệt cuộc khủng hoảng năng lượng hiện tại hay giảm thiểu nguy cơ thiếu nguồn cung ở Liên minh châu Âu (EU).
Xây đường ống khí đốt mới còn ảnh hưởng đến các mục tiêu khí hậu của EU. Thay vào đó, Paris đề xuất các nước xây thêm cảng tiếp nhận khí tự nhiên hóa lỏng (LNG), mô tả đây là "những khoản đầu tư nhỏ hơn, nhanh hơn".
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron chưa có bình luận công khai nào về MidCat. Bộ Chuyển đổi Năng lượng Pháp giữ quan điểm đây là "vấn đề cần đối thoại giữa các quốc gia có liên quan" và cần tính đến "sự đoàn kết cùng mục tiêu khí hậu của châu Âu".
Nguy cơ thiếu khí đốt trong mùa đông buộc EU hồi tháng 7 thông qua quy định các nước thành viên tự nguyện cắt giảm 15% nhu cầu sử dụng khí đốt từ tháng 8 đến tháng 3/2023.
Đức đang chạy đua tìm nguồn cung thay thế để đảm bảo đủ năng lượng cho mùa đông sắp tới, trong bối cảnh lưu lượng khí đốt qua Nord Stream 1 chỉ còn 20% công suất. Hãng khí đốt Nga Gazprom ngày 19/8 còn thông báo dừng đường ống trong ba ngày từ cuối tháng này để bảo dưỡng.
Nord Stream 1 là đường ống dẫn khí đốt lớn nhất từ Nga sang Đức qua biển Baltic, vận chuyển khoảng 55 tỷ m3 khí đốt mỗi năm.
Đức đã kích hoạt giai đoạn hai tình trạng khẩn cấp về khí đốt, cho thấy tình hình nguồn cung xấu đi đáng kể, trong khi nước này có nguy cơ không đạt mục tiêu tích trữ đủ khí đốt được vạch ra hồi tháng 6. Nếu một cuộc khủng hoảng thực sự xảy ra, giai đoạn ba sẽ được Đức kích hoạt, phân bổ khí đốt theo hạn mức, cắt giảm nguồn cung cho ngành công nghiệp để ưu tiên cho các hộ gia đình và cơ sở quan trọng như bệnh viện.
Như Tâm (Theo RT, Financial Times)