Hiện, nhà chức trách chưa thực thi lệnh tạm giữ với những người bị triệu tập. Nhiều người khi phát hiện bị theo dõi qua điện thoại cũng đã gửi đơn trình báo tới cơ quan công an.
Kiểm tra Công ty TNHH Công nghệ Việt Hồng, tại phố Tô Vĩnh Diện, Thanh Xuân, PC50 Công an Hà Nội và Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông phát hiện doanh nghiệp này phát triển, cung cấp phần mềm có chức năng giám sát điện thoại di động. Phần mềm chỉ hỗ trợ hệ điều hành Androi, có 2 gói: dành cho cá nhân (Ptracker), dành cho doanh nghiệp (PtrackerERP).
Theo điều tra, Công ty Việt Hồng quảng cáo trên nhiều trang mạng xã hội và lập 4 trang web giới thiệu. Để được sử dụng thử trong 24 tiếng, người dùng cầm máy điện thoại cần giám sát truy cập vào trang web của công ty để tải phần mềm hoặc nhắn tin cú pháp gửi đến đầu số 8189 để lấy đường link tải phần mềm về. Sau đó họ tự cài đặt rồi hệ thống sẽ cung cấp tên và mật khẩu để truy cập.
Tất cả dữ liệu như danh bạ, tin nhắn, các cuộc gọi đi, gọi đến, âm thanh ghi âm xung quanh, vị trí hiện tại... của máy bị giám sát này sẽ được phần mềm lưu lại, đẩy lên máy chủ trong vòng 5-10 phút sau đó. Người dùng chỉ cần vào trang web giamsatxxx của Việt Hồng là có thể truy cập.
Phần mềm này còn có khả năng ra lệnh điều khiển từ xa như: ghi âm xung quanh, nghe âm thanh xung quanh, quay video, chụp ảnh, bật, tắt 3G/GPRS. Sau 24 tiếng dùng thử, nếu muốn tiếp tục sử dụng, người dùng phải trả tiền vào 3 tài khoản cho Việt Hồng, giá 400.000 đồng một tháng.
Cảnh sát xác định từ cung cấp gói dịch vụ trên (tháng 6/2013), số tài khoản khách hàng của Việt Hồng lên đến hơn 14.000, trong đó số lượng tài khoản chưa bị xóa dữ liệu thông tin riêng của người sử dụng là gần 7.500 tài khoản (lưu tại máy chủ của Việt Hồng). Ước tính, doanh nghiệp này đã thu lợi khoảng 900 triệu đồng.
* Đồ họa: Nhận biết điện thoại bị nghe lén |
Ông Nguyễn Anh Thơm, Đoàn luật sư Hà Nội cho biết, hành vi tạo ra, cài đặt, phát tán và duy trì phần mềm Ptracker của Công ty Việt Hồng đã thỏa mãn dấu hiệu của tội Xâm phạm bí mật an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của người khác, theo điều 125 Bộ Luật hình sự.
Theo ông Thơm, Điều 21 Hiến pháp năm 2013 quy định: Mọi người có quyền bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác. Điều này đồng nghĩa với việc không ai được bóc mở, kiểm soát, thu giữ trái luật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư của người khác.
Luật sư Thơm cho biết người mua phần mềm bất hợp pháp nhằm mục đích truy cập trái phép điện thoại của người khác thì có thể sẽ phải liên đới chịu trách nhiệm hình sự về tội Xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của người khác.
Nếu người nào dùng thông tin cá nhân lấy cắp để thanh toán mua hàng trực tuyến, rút tiền trong tài khoản người khác... nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản có thể bị xử lý theo Điều 226b: Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.
Vụ việc xảy ra tại pháp nhân Công ty TNHH Việt Hồng thì những người nào tham gia thực hiện, quản lý điều hành hoạt động truy cập bất hợp pháp vào điện thoại của người khác thì đều phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Các thành viên HĐQT nếu đồng tình với chủ trương kinh doanh này cũng liên đới trách nhiệm.
Mai Chi