Hiện nay chưa có văn bản pháp luật nào quy định cụ thể về quy chế thưởng tết. Trên nguyên tắc, người lao động được hưởng tiền thưởng theo quy định tại Điều 103 Bộ luật Lao động 2012 như sau:
1. Tiền thưởng là khoản tiền mà người sử dụng lao động thưởng cho người lao động căn cứ kết quả sản xuất kinh doanh hằng năm và mức độ hoàn thành công việc của người lao động.
2. Quy chế thưởng do người sử dụng lao động quyết định và công bố công khai tại nơi làm việc sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở.
Như vậy, pháp luật không quy định bắt buộc doanh nghiệp phải thưởng tết cho người lao động mà người lao động được hưởng tiền thưởng tết theo thỏa thuận trong hợp đồng nlao động, quy chế nội bộ của đơn vị về tiền thưởng, thỏa ước lao động tập thể và quan trọng là hiệu quả, năng suất làm việc và tình hình doanh thu mà đơn vị quyết định việc trả thưởng cho người lao động.
Đối với Tết Đinh Dậu 2017, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã ban hành Công văn 4577/LĐTBXH-LĐTL về xây dựng các khoản phụ cấp, trợ cấp, phương án tiền thưởng cho người lao động. Theo đó, Bộ đề nghị doanh nghiệp phối hợp, trao đổi với tổ chức công đoàn cơ sở xây dựng phương án hỗ trợ người lao động xây dựng các khoản phụ cấp, trợ cấp, phương án tiền thưởng Tết Âm lịch Đinh Dậu 2017 và thông báo cho người lao động biết.
4 nhóm doanh nghiệp được Bộ lưu ý xây dựng kế hoạch lương, thưởng Tết Âm lịch Đinh Dậu 2017 gồm:
- Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do nhà nước làm chủ sở hữu;
- Doanh nghiệp có cổ phần, vốn góp của nhà nước;
- Doanh nghiệp tư nhân;
- Doanh nghiệp FDI.
Như vậy, trong trường hợp không trả tiền thưởng tết 2017 cho bạn thì doanh nghiệp không bị coi là vi phạm pháp luật. Bạn có thể xem lại hợp đồng lao động có quy định về việc tiền thưởng tết hay không, dựa vào quy chế công ty, thông qua Công đoàn hoặc trực tiếp trao đổi với doanh nghiệp về việc thưởng Tết 2017 sao cho xứng đáng với năng suất và hiệu quả lao động của bạn.
Luật sư, Thạc sĩ Phạm Thanh Bình
Công ty Luật Bảo Ngọc, Hà Nội