Sáng 12/9, trình bày thẩm tra báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2019, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, trước đây, trong các vụ án kinh tế lớn, dư luận nghi ngờ có dấu hiệu tham nhũng nhưng cơ quan điều tra không chứng minh được nên phải xử lý về tội phạm kinh tế.
Tuy nhiên, hiện nay hạn chế này đã được cơ quan điều tra khắc phục. Nhiều vụ án đã chứng minh được yếu tố tham nhũng, chiếm đoạt để xử lý nghiêm, điển hình là hai cựu bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn bị khởi tố về tội Nhận hối lộ. Nhiều vụ án nghiêm trọng, phức tạp được đưa ra xét xử kịp thời, với hình phạt nghiêm khắc.
Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp đánh giá, việc áp dụng các biện pháp xử lý đồng bộ, nghiêm minh đối với tội phạm tham nhũng trong thời gian qua đã có tác dụng cảnh tỉnh, răn đe. Tuy nhiên, tình trạng tiêu cực, nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp, "tham nhũng vặt" vẫn chưa bị đẩy lùi. Đặc biệt, khi việc phát hiện, xử lý các vụ tham nhũng lớn, "lợi ích nhóm", "sân sau" được đẩy mạnh thì loại tội phạm này sẽ chuyển sang thủ đoạn đối phó, che giấu dưới các hình thức tinh vi, phức tạp hơn...
Trong lĩnh vực cổ phần hóa, mua bán tài sản công, ở nơi nào có hiện tượng "Nhà nước mua đắt, bán rẻ" các tài sản lớn thì ở đó có dấu hiệu của những vụ tham nhũng lớn. Đa số các vụ án sai phạm lớn về kinh tế trong giai đoạn vừa qua đều có yếu tố vụ lợi.
Từ các vụ việc sai phạm, vụ án kinh tế, tham nhũng lớn xảy ra trong thời gian qua như Mobifone mua 95% cổ phần của AVG; khiếu nại của công dân về Khu đô thị mới Thủ Thiêm; sai phạm trong quản lý đất công tại Đà Nẵng..., Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp đề nghị Chính phủ giao Tổng Thanh tra Chính phủ tổng kết, chỉ rõ nguyên nhân, rút ra những bài học về quản lý kinh tế - xã hội, quản lý cán bộ, phòng chống tham nhũng.
Theo báo cáo ngày 26/8 của Toà án nhân dân Tối cao, trong năm 2019 có 94 bị cáo (chiếm gần 19% tổng số bị cáo đã xét xử) phạm tội tham nhũng bị tuyên phạt án tù chung thân và tù có thời hạn từ 7 năm trở lên.
Về thu hồi tài sản bị thất thoát do tham nhũng, theo báo cáo của Chính phủ, trong giai đoạn điều tra, các cơ quan đã thu hồi được hơn 615 tỷ đồng và hơn 11.800 m2 đất, kê biên 795 tỷ đồng. Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đã tích cực yêu cầu và áp dụng nhiều biện pháp tố tụng tạm giữ, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản, ngăn chặn giao dịch tài sản giá trị trên 10.000 tỷ đồng...
Cũng trong sáng nay, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đề cập đến việc một số báo cáo đóng dấu "mật" bởi theo bà nếu không giải quyết được sẽ rất khó khăn trong các phiên họp Thường vụ và các phiên họp khác.
Bà đánh giá Chánh án tòa án nhân dân Tối cao minh bạch trong các số liệu gửi Uỷ ban Tư pháp, nhưng Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đều đóng dấu mật và tối mật vào báo cáo có số liệu "không thể coi là mật".
Bà nói: "Tại sao Viện kiểm sát lại đưa tất cả những vi phạm trong hoạt động tư pháp vào danh mục đóng dấu mật? Tại sao khi bắt đầu điều tra, truy tố, xét xử, tác động thì công khai nhưng các số liệu về oan sai, vi phạm trong hoạt động tư pháp lại là mật?".
Trong danh mục tài liệu mật và tối mật của các cơ quan tư pháp, có một số danh mục ban hành từ năm 2004, Uỷ ban Tư pháp đã kiến nghị từ cuộc họp năm ngoái nhưng không thay đổi. Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp đề nghị các cơ quan sửa lại danh mục từ nay cho đến khi khai mạc kỳ họp Quốc hội thứ 8, nếu không sẽ không bảo đảm tính công minh trong hoạt động tư pháp.
Lý giải việc đóng dấu mật trong các báo cáo, Viện trưởng Kiểm sát nhân dân Tối cao Lê Minh Trí cho biết, ông đã có văn bản báo cáo Uỷ ban Tư pháp ngày 3/9.
Theo Luật bảo vệ bí mật nhà nước 2018, Viện đã dự thảo danh mục bí mật nhà nước độ mật, tuyệt mật, tối mật của ngành kiểm sát và đang xin ý kiến các cơ quan, đơn vị chức năng, sau đó sẽ đề nghị Bộ Công an thẩm định và trình Thủ tướng ký ban hành. Do danh mục mới chưa được duyệt, Viện vẫn phải thực hiện theo danh mục mật đang có hiệu lực thi hành.
Theo ông, tiêu chí mật cũng đang là thách thức. Nhiều số liệu khi được hệ thống sẽ khiến người đọc giật mình. Án điều tra xâm phạm hoạt động tư pháp và tham nhũng trong hoạt động tư pháp khi đang điều tra là bí mật công tác. Chưa xét xử vẫn là mật, còn mật mức độ nào thì tuỳ trường hợp, "thực sự là khó phân định chứ không dễ".
9 tháng qua, cơ quan điều tra đã khởi tố 214 vụ án tham thũng với 487 bị can (giảm 18 vụ, tăng 56 bị can so với cùng kỳ năm 2018), trong đó có nhiều vụ án nghiêm trọng, phức tạp được dư luận quan tâm.
Viện Kiểm sát đã thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết 367 tin báo, tố giác và kiến nghị khởi tố tội phạm về tham nhũng. Cơ quan điều tra của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao khởi tố 15 vụ án về tham nhũng xảy ra trong hoạt động tư pháp (giảm 9 vụ so với cùng kỳ năm 2018).