Chế định này đang dần được nhiều nước trên thế giới áp dụng, trong đó có Anh, Canada, Pháp, Trung Quốc, Ấn Độ,… và giờ đây là Nhật Bản. Theo đó, bị cáo có thể thỏa thuận với cơ quan công tố về việc sẽ nhận tội song không phải ra tòa.
Việc này được cho là giúp cơ quan công tố công tố đỡ được gánh nặng chứng minh tội phạm mà vẫn hoàn thành nhiệm vụ (tội phạm được phát hiện và người phạm tội đã bị trừng phạt). Nhà nước tiết kiệm được kinh phí cho hoạt động của tòa án khi không còn phải tổ chức những phiên tòa tốn thời gian; còn bị cáo được nhận tội nhẹ hơn so với khung hình phạt truy tố của cơ quan công tố.
Chế định thỏa thuận nhận tội thịnh hành ở các nước thuộc hệ thống Thông luật như Anh, Mỹ, Canada, Ấn Độ,... tức các nước từng là thuộc địa của Anh. Trung Quốc, Hàn Quốc, Đức... có áp dụng chế định này nhưng rất hạn chế. Chẳng hạn, tòa án Trung Quốc chỉ cho phép thực hiện thỏa thuận nhận tội nếu khung hình phạt tối đa dành cho bị cáo là ba năm hoặc thấp hơn.
Pháp luật Việt Nam theo hệ thống Dân luật và hiện không công nhận chế định này.
Đôi bên cùng thắng, hay công lý thua cuộc?
Nhiều ý kiến cho rằng việc cho phép thực hiện thỏa thuận nhận tội là một lỗ hổng có thể bị lợi dụng, hậu quả là nhiều người vô tội chấp nhận thỏa thuận nhận tội và phải chịu án oan.
Tại Mỹ vào năm 2002, Brian Banks, cầu thủ bóng bầu dục ở trung học phổ thông, bị cáo buộc bắt cóc và hiếp dâm một nữ sinh cùng trường. Sau khi bị bắt, Brian được công tố viên cho lựa chọn giữa việc nhận tội và sẽ chỉ phải ngồi tù ít năm hoặc ra tòa và có thể đối mặt với mức án 41 năm tù (nếu bị buộc tội). Brian đồng ý nhận tội.
Sau khi Brian Banks được thả, nạn nhân liên lạc với anh ta. Trong cuộc gặp gỡ giữa hai người sau đó, cô này thừa nhận đã thêu dệt toàn bộ sự kiện. Rất may mắn, Brian Banks đã ghi âm lại chi tiết này. Năm 2012, anh được minh oan.
Trong số 149 người Mỹ được minh oan vào năm 2015, 65 người trong đó từng nhận tội. Dự án Vô tội (Innocence Project) – một tổ chức chuyên dùng công nghệ ADN để thẩm tra lại chứng cứ của vụ án - đã giải oan cho hơn 300 người, đa phần đều bị cáo buộc có hành vi hãm hiếp và giết người. Trong những người được minh oan này, ít nhất 30 người cũng từng "nhận tội".
Dù còn bất cập, song nhiều tòa án vẫn áp dụng chế định này vì tính thực tiễn của nó. Tại Mỹ, điều VI thuộc Tu chính pháp của Mỹ quy định "mỗi người đều được bảo đảm xét xử nhanh chóng". Tuy nhiên, khối lượng án hình sự mà tòa án phải tiếp nhận xử lý là vô cùng lớn, nếu không có chế định thỏa thuận nhận tội, và nếu phải tổ chức những phiên tòa kéo dài lê thê với một lượng ngân sách eo hẹp, hệ thống tòa án sẽ bị quá tải và không thể tránh khỏi sẽ dẫn tới tình trạng bế tắc án, tồn đọng án. Ngoài ra, trong những vụ án phức tạp, liên quan nhiều bị cáo thì chế định này giúp công tố viên có được thông tin quan trọng về mạng lưới tội phạm.
Công cuộc cải cách tư pháp của Nhật Bản
Ngày 13/4 vừa qua, Chính phủ Nhật Bản quyết định đưa quyền thỏa thuận nhận tội vào Luật Tố tụng Hình sự sửa đổi của nước này.
Nội dung của đạo luật được Nội các Nhật Bản thông qua sẽ cho phép thực hiện quyền thỏa thuận nhận tội trong nhiều vụ việc khác nhau, bao gồm các tội phạm liên quan tới ma túy, súng đạn và đưa nhận hối lộ. Ngoài ra, phạm vi của đạo luật còn được mở rộng để bao trùm nhiều nội dung khác có liên quan tới quy định chống độc quyền, thủ tục tuyên bố phá sản, văn bằng độc quyền sáng chế công nghiệp và lừa đảo có tổ chức.
Trước e ngại, điều này có thể dẫn tới việc người vô tội bị buộc tội oan, Nhật Bản cho phép chỉ có thể áp dụng chế định thỏa thuận nhận tội nếu nghi can cung cấp chứng cứ hoặc lời khai để tố giác kẻ đồng phạm. Và để được chấp nhận đề xuất của bên công tố, nghi phạm sẽ phải có sự đồng ý bằng văn bản từ luật sư bào chữa của mình.
Thay đổi này được xem là một phần trong công cuộc cải cách hệ thống điều tra và xét xử tội phạm của nước này. Luật Tố tụng Hình sự sửa đổi được ban hành vào 24/05/2016, công bố vào ngày 3/6 cùng năm và theo dự kiến sẽ có hiệu lực hai năm sau ngày công bố.