Chiều 27/3, sau hơn một tháng xét xử và nghị án, TAND TP HCM đã ra phán quyết về vụ án ly hôn giữa bà Lê Hoàng Diệp Thảo (46 tuổi) và ông Đặng Lê Nguyên Vũ (48 tuổi, Chủ tịch, kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Trung Nguyên).
Sau hơn một tiếng tóm lược yêu cầu khởi kiện của bà Thảo và công bố khối tài sản tranh chấp trị giá gần chục nghìn tỷ đồng, HĐXX tuyên chấp thuận cho vợ chồng họ ly hôn.
Theo HĐXX, bà Thảo và ông Vũ từng có thời gian dài hạnh phúc nhưng về sau mâu thuẫn trầm trọng trong việc nuôi dưỡng các con, điều hành công ty... Tình yêu không còn, mục đích hôn nhân không đạt được, nếu kéo dài hai bên đều khổ. Việc cho đương sự ly hôn là hoàn toàn hợp lý, phù hợp với nguyện vọng cả hai.
Tòa ghi nhận thỏa thuận của hai bên, giao các con cho bà Thảo chăm sóc, nuôi dưỡng. Ông Vũ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho các con 10 tỷ đồng mỗi năm tính từ năm 2013 cho đến khi học xong đại học.
Hơn hai tiếng đứng nghe HĐXX phát biểu quan điểm và đưa ra phán quyết, ông Vũ vẻ ưu tư, không thể hiện nhiều cảm xúc. Trong khi bà Thảo luôn cúi đầu trầm ngâm. Vẻ mệt mỏi, bà thu mình trên ghế, bàn tay liên tục xoắn vào nhau.
Về tranh chấp tài sản, tòa xác định, tổng cộng ông Vũ bà Thảo sở hữu cổ phần trị giá hơn 5.700 tỷ đồng trong các công ty thuộc Tập đoàn Trung Nguyên. Theo nguyên tắc, việc chia tài sản chung là chia đôi có tính đến các yếu tố hoàn cảnh gia đình của vợ chồng, công sức đóng góp của hai bên trong việc tạo lập, duy trì, phát triển khối tài sản chung. Ai có đóng góp nhiều hơn được chia phần hơn.
"Căn cứ các tài liệu có cơ sở xác định, ông Vũ là người sáng lập cà phê Trung Nguyên nhờ vào tài sản là bán hai căn nhà của bố mẹ và vay mượn tiền của nhiều người", HĐXX nhận định. Ông Vũ đứng tên giấy phép kinh doanh, phát triển công ty. Về sau giấy phép có thêm ông Mơ (cha ông Vũ). Sau nhiều năm thay đổi, tăng vốn điều lệ, trải qua các giai đoạn phát triển ông Vũ luôn giữ chức danh Chủ tịch và là người điều hành công ty mang về lợi nhuận cao.
HĐXX đánh giá "công sức đóng góp của ông Vũ nhiều hơn". Từ khi thành lập doanh nghiệp, số lượng vốn góp của ông Vũ luôn nhiều hơn bà Thảo. Bà Thảo nuôi các con ăn học và thường xuyên ở nước ngoài chăm các con. Đây là điều cốt lõi xác định công sức đóng góp của hai bên.
Tòa bác quan điểm của bà Thảo cho rằng ông Vũ nhiều năm liền mải mê thiền định mà không quan tâm đến công ty. Bởi, căn cứ vào báo cáo kiểm toán, tổng lợi nhuận sau thuế của Tập đoàn Trung Nguyên những năm đó đều duy trì phát triển ở 650 tỷ đồng trở lên. Do đó, HĐXX cho rằng "cần thiết giao cho ông Vũ quyền điều hành Trung Nguyên, có như vậy mới đảm bảo quyền lợi của đương sự".
Chia cho ông Vũ phần hơn nhưng toà cũng xem xét đảm bảo cho công sức bà Thảo. Bà Thảo là người phụ nữ thông minh, có nhiều công sức trong việc chăm sóc 4 con ăn học và có nhiều công sức phát triển công ty. Do vậy, toà không chấp nhận đề nghị của ông Vũ (70/30) hay của bà Thảo (51%), mà chia cho ông Vũ hưởng 60%, bà Thảo 40%.
Tuy nhiên, toà chấp nhận đề nghị của ông Vũ, cho rằng việc chia cổ phần cho cả hai sẽ gây khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp, nên để ông Vũ sở hữu các cổ phần của bà Thảo. Ông Vũ có trách nhiệm trả tiền cho bà Thảo tương ứng với giá trị cổ phần sở hữu. Phương án này sẽ không gây ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp.
Đối với hàng chục bất động sản, tòa ghi nhận sự thoả thuận của hai bên, giao cho ông Vũ sở hữu 6 nhà đất đang quản lý, trị giá hơn 350 tỷ đồng. Bà Thảo sở hữu 7 nhà đất trị giá hơn 375 tỷ đồng bao gồm căn nhà trên đường Tú Xương quận 3 - nơi bà và các con sinh sống. Bà Thảo có nghĩa vụ trả lại cho ông Vũ phần chênh lệch 12,5 tỷ đồng.
Về tài sản là tiền, vàng trị giá 1.764 tỷ đồng (thay vì 2.100 tỷ đồng) bà Thảo đứng tên tại ngân hàng, HĐXX xác định đây là tài sản chung và bà Thảo phải chịu trách nhiệm. Cả hai đều không đưa ra được các chứng cứ chứng minh là tài sản riêng, cũng như đã sử dụng vào việc gì. Vì vậy, theo nguyên tắc sẽ chia đôi nhưng có tính đến công sức đóng góp của các bên.
Tòa tuyên tiếp tục giao cho bà Thảo quản lý số tiền này và cấn trừ vào số cổ phần ông Vũ nhận lại từ bà Thảo.
Theo tòa, tổng cộng tài sản chung của bà Thảo ông Vũ sau khi trừ bất động sản là hơn 7.000 tỷ đồng. Nếu chia theo tỷ lệ 60/40 ông Vũ được nhận số tài sản trị giá tương đương 4.000 tỷ, bà Thảo hưởng hơn 3.000 tỷ. Hiện bà Thảo đang quản lý số tiền trị giá hơn 1.764 tỷ đồng tại ngân hàng, do đó sau khi cấn trừ ông Vũ có nghĩa vụ thanh toán cho bà Thảo thêm 1.220 tỷ đồng.
Về án phí ly hôn, bà Thảo phải chịu 300.000 đồng. Án phí chia tài sản bà Thảo phải chịu là 3,3 tỷ, ông Vũ phải nộp 4,8 tỷ (nhưng chủ tọa đọc nhầm tổng cộng hơn 80 tỷ).
Kết thúc phiên xử, bà Thảo ôm mặt khóc. Bà nói "quá bất công với mẹ con tôi" rồi bước nhanh ra về. Ông Vũ trông khá vui vẻ.
Trước đó, đại diện VKS giữ nguyên các quan điểm như hôm 25/2 về việc giải quyết yêu cầu xin ly hôn, con chung của bà Thảo và ông Vũ.
Về quy trình tố tụng, kiểm sát viên cho rằng, quá trình thụ lý vụ án HĐXX thực hiện đúng nhưng vẫn còn một số sai sót như: chưa mở phiên họp công khai chứng cứ chứng minh yêu cầu phản tố của bị đơn.
Sau khi có xác minh tài khoản ngân hàng, thẩm phán không mở phiên hòa giải. Yêu cầu chia tiền, vàng (2.100 tỷ đồng) là yêu cầu mới phát sinh tại tòa. Bị đơn rút yêu cầu nhưng chủ tọa không đình chỉ nên phải cho 2 bên trình bày ý kiến về yêu cầu phản tố này.
Tòa không triệu tập đúng người đại diện của ngân hàng. VKS đã có công văn đề nghị tòa khắc phục nhưng đến nay tòa chưa thực hiện. Do đó, VKS đề nghị HĐXX khắc phục các vi phạm nêu trên để có cơ sở giải quyết vụ án khách quan, toàn diện, đúng quy định pháp luật.
Trong phiên làm việc sáng nay, HĐXX xác định khối tài sản 2.100 tỷ đồng đứng tên bà Thảo trong các ngân hàng chỉ còn lại 1,3 tỷ. Phía bà Thảo thừa nhận số tài sản có trong ngân hàng trước đó hình thành trong thời kỳ hôn nhân, song phủ nhận đó là tài sản chung của hai vợ chồng, đề nghị tòa bác yêu cầu chia 70/30 của ông Vũ.
Bà Thảo và ông Vũ có 4 con. Năm 2015, sau thời gian dài có nhiều mâu thuẫn, bà Thảo đơn phương ly hôn, đề nghị được nuôi các con, hưởng 51% (tương đương 2.114 tỷ đồng) trong Công ty Cổ phần Đầu tư Trung Nguyên - công ty nòng cốt chiếm phần lớn giá trị của tập đoàn...
Phía ông Vũ đề nghị hưởng 70% trong hơn 2.100 tỷ đồng tại ngân hàng, 70% giá trị cổ phần tại tất cả công ty thuộc Tập đoàn Trung Nguyên và sẽ thanh toán lại cho bà Thảo bằng tiền mặt đối với số cổ phần còn lại.
Cả hai đều giành quyền điều hành công ty mang thương hiệu cà phê Trung Nguyên. Ông Vũ cho rằng, bà Thảo không phải là người đồng sáng lập mà do ông và gia đình làm chủ. Năm 1996 để có vốn thành lập doanh nghiệp, cha mẹ ông đã bán nhà để có tiền phát triển công ty. Ông là Linh hồn, trí tuệ, trái tim của Trung Nguyên. Hiện Trung Nguyên có 200.000 quán cà phê trên cả nước và đang có những đột phá mạnh mẽ cả trong nước và nước ngoài. Việc giao cho ông điều hành Trung Nguyên là tính đến lợi ích lâu dài của doanh nghiệp...
Trong khi đó bà Thảo cho rằng trước khi kết hôn, ông Vũ làm ăn thua lỗ và trắng tay. Chỉ khi 2 người kết hôn, nhờ vào sự hỗ trợ của bà ông Vũ mới vực dậy được công việc kinh doanh. Ngoài ra bà cũng đưa ra bằng chứng chứng minh bà chính là người góp vốn cho bố mẹ ông Vũ.
Hải Duyên