Ngày 7/10, Thanh tra thành phố Đà Nẵng đã công bố kết luận dài 26 trang, chỉ ra nhiều sai phạm tại hai nhà máy thép Dana Ý và Dana Úc (xã Hoà Liên, huyện Hoà Vang) liên quan việc chấp hành chính sách, pháp luật trong quá trình thành lập, hoạt động và xử lý về môi trường.
Thành phố phá vỡ quy hoạch
Theo kết luận, Cụm công nghiệp Thanh Vinh (gọi tắt là Cụm công nghiệp), nơi đang có hai nhà máy thép, theo quyết định mở rộng được UBND Đà Nẵng phê duyệt năm 2004 không có loại hình sản xuất thép, luyện kim. Tuy nhiên năm 2008 và 2009, thành phố cấp giấy chứng nhận đầu tư, phê duyệt đánh giá tác động môi trường và cho hai nhà máy thép Dana Ý và Dana Úc hoạt động.
Năm 2010, sau thời gian ngắn hai nhà máy thép hoạt động, người dân địa phương có ý kiến về việc ô nhiễm môi trường. Thành phố đã giao gần 6 ha đất cho hai công ty trồng cây xanh, tạo khoảng không cách ly giữa khu dân dư với Cụm công nghiệp. Sáu năm sau, thành phố phê duyệt quy hoạch chi tiết mở rộng nhưng khoảng cách ly từ hai nhà máy thép vẫn chỉ từ 27 đến 80 m, chưa đảm bảo khoảng cách ly tối thiểu là 500 m với nhà máy độc hại cấp hai (công suất dưới một triệu tấn/năm đối với nhà máy luyện thép).
Thanh tra thành phố chỉ rõ, việc cấp giấy chứng nhận cho hai nhà máy thép là không phù hợp với quy định ngành nghề tại Cụm công nghiệp theo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt; không phù hợp với chủ trương của UBND thành phố về việc không cho đầu tư lắp đặt lò luyện thép trong các khu công nghiệp; không đảm bảo khoảng cách ly tối thiểu đối với khu dân cư (500 m).
Thiếu sót trong việc quy hoạch Cụm công nghiệp liên quan đến hai Nhà máy thép thuộc trách nhiệm của Sở Xây dựng trong việc thẩm định, trình phê duyệt và của chủ đầu tư dự án Cụm công nghiệp là Công ty phát triển và khai thác hạ tầng Khu công nghiệp Đà Nẵng, Công ty CP Xây dựng và Đầu tư Đà Nẵng C.T trong việc lập quy hoạch.
Việc UBND thành phố Đà Nẵng cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho chủ đầu tư Cụm công nghiệp, sau đó chủ đầu tư chuyển nhượng lại cho hai công ty với mục đích đất khu công nghiệp nhưng thời hạn sử dụng lâu dài là không đúng Luật Đất đai năm 2003. Nội dung này đã được Thanh tra Chính phủ yêu cầu rà soát, thực hiện điều chỉnh tại kết luận từ năm 2012. Tuy nhiên, đến nay các Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp cho hai công ty chưa được điều chỉnh.
Hai nhà máy thép sai phạm những gì?
Công ty thép Dana Ý sử dụng dây chuyền luyện, cán thép có nguồn gốc xuất từ Trung Quốc và Italy theo nội dung đăng ký tại giấy chứng nhận đầu tư. Trong quá trình hoạt động, công ty đã thay đổi một số hệ thống lò luyện không đúng với dây chuyền đã đăng ký (sử dụng lò luyện có công suất lớn hơn 4 lần từ năm 2008 đến 2009; sử dụng lò cảm ứng điện có công suất lớn hơn và nhiều lò trung tần hơn so với đánh giá tác động môi trường được phê duyệt từ 2009 đến nay).
Công ty sản xuất thép với công suất vượt quy định trong giấy chứng nhận đầu tư và đánh giá tác động môi trường mỗi năm hàng chục nghìn tấn thép. Từ 2008 đến 2015, công ty lắp đặt đưa vào hoạt động sản xuất một số máy móc, thiết bị làm thay đổi quy mô, công suất lò nấu luyện nhưng không lập đánh giá tác động môi trường bổ sung.
Từ khi hoạt động đến nay, công ty không hợp đồng với công ty môi trường vận chuyển, xử lý xỉ lò luyện. Hệ thống xử lý khí thải lò luyện hoạt động không hiệu quả, kết quả quan trắc thông số bụi vượt quy chuẩn kỹ thuật từ 0,6 đến 1,55 lần từ 2009 đến 2011. Từ năm 2013 đến nay, hệ thống này có thay đổi so với phương án tại đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt là không đúng với Luật Bảo vệ môi trường 2005.
Đối với nhà máy thép Dana Úc, việc lập, thẩm định, phê duyệt đánh giá tác động môi trường là không phù hợp. Theo giải trình của Sở Tài nguyên Môi trường, thành phố đã đồng ý bố trí nhà máy tại Cụm công nghiệp và yêu cầu Sở thẩm định đánh giá tác động môi trường nên Sở đã thực hiện nhằm giảm thiểu tác động đến môi trường.
Từ năm 2009 đến nay, dù công suất tại giấy chứng nhận đầu tư không phù hợp với đánh giá tác động môi trường được phê duyệt nhưng công ty vẫn hoạt động sản xuất. Từ năm 2012, công ty vận hành số lò luyện trung tần nhiều hơn đánh giá tác động môi trường nhưng không báo cáo UBND thành phố.
Qua kiểm tra thực tế, hai công ty đã ký hợp đồng với các đơn vị không được cấp phép xử lý chất thải nguy hại hoặc không có chứng từ thể hiện đã hợp đồng giao đơn vị được cấp phép xử lý chất thải nguy hại; không thực hiện trồng cây xanh đảm bảo diện tích theo đánh giá tác động môi trường. Do khoảng cách ly từ nhà máy đến khu dân cư không đảm bảo nên vấn đề tiếng ồn trong hoạt động sản xuất ảnh hưởng đến khu dân cư.
Sai sót kéo dài, nhiều đơn vị "rút kinh nghiệm"
Từ kết quả kiểm tra, Chánh Thanh tra thành phố Đà Nẵng Trần Huy Đức kiến nghị UBND thành phố Đà Nẵng chỉ đạo Sở Xây dựng, Công ty Phát triển và Khai thác hạ tầng Khu công nghiệp Đà Nẵng, Sở Kế hoạch và đầu tư, Ban xúc tiến và hỗ trợ đầu tư kiểm điểm, rút kinh nghiệm đối với thiếu sót trong việc lập, thẩm định, trình phê duyệt Quy hoạch Cụm công nghiệp không đảm bảo khoảng cách ly tối thiểu, để xảy ra sai sót trong xử lý hồ sơ và trình UBND thành phố cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho nhà máy thép không đảm bảo quy định...
Với việc tham mưu UBND thành phố Đà Nẵng ban hành công văn số 2086 năm 2008 không đúng quy định, Văn phòng UBND thành phố cũng phải kiểm điểm, rút kinh nghiệm. Riêng với trách nhiệm của lãnh đạo UBND thành phố Đà Nẵng (giai đoạn 2007 đến 2014, thời ông Trần Văn Minh làm Chủ tịch) hiện nay đang bị điều tra theo quyết định khởi tố của Bộ Công an nên Thanh tra thành phố kiến nghị Chủ tịch UBND thành phố báo cáo Thường trực Thành ủy có ý kiến chỉ đạo.
Sở Tài nguyên Môi trường Đà Nẵng phải tiếp tục rà soát và tham mưu cho UBND thành phố xem xét xử lý theo kết luận của Thanh tra Chính phủ đối với việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không đúng quy định, kiểm điểm và xử lý trách nhiệm theo quy định đối với các thiếu sót trong việc thẩm định, trình phê duyệt đánh giá tác động môi trường và công tác quản lý về bảo vệ môi trường tại hai nhà máy thép.
Tổng Giám đốc hai công ty thép Dana Ý và Dana Úc phải nghiêm túc chấn chỉnh và có biện pháp khắc phục đối với các tồn tại, vi phạm trong quá trình hoạt động và bảo vệ môi trường như phần kết quả kiểm tra và kết luận thanh tra đã nêu theo đúng quy định pháp luật.
Người dân sống gần khu vực có hai nhà máy thép (xã Hoà Liên, huyện Hoà Vang) đã nhiều lần phản ứng vì cho rằng nhà máy thép gây ô nhiễm môi trường. Họ tụ tập trước cổng nhà máy để cản trở việc hoạt động, buộc chính quyền nhiều lần phải tổ chức đối thoại nhưng vẫn chưa dứt điểm việc di dời người dân hay di dời nhà máy.
Tại buổi làm việc với huyện Hòa Vang tháng 12/2017, Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa cho rằng việc Đà Nẵng cho xây hai nhà máy thép là "phá vỡ hết quy hoạch", vì các ngành công nghiệp dệt may, điện tử không thể chịu nổi tiếng ồn và khói bụi. "Chủ trương của thành phố không kêu gọi xây dựng nhà máy thép. Đà Nẵng chắc có lý do gì để nhận mấy ngành này?", ông Nghĩa nói.
Cuối tháng 2/2018, lần thứ ba trực tiếp đối thoại, ông Hồ Kỳ Minh - Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho biết lãnh đạo thành phố vẫn "lúng túng" khi chưa đưa ra được lời giải. "Cả hai phương án di dời nhà máy hay di dời dân đều không tối ưu. Đầu tiên định di dời hai nhà máy nhưng các cơ quan của thành phố rà soát vẫn không tìm được vị trí di dời. Di dời dân thì đối mặt với áp lực tái định cư, còn di dời nhà máy thì phải đền bù", ông Minh phân trần.