Pháp luật liên bang của Mỹ yêu cầu đại lý súng đạn phải kiểm tra lý lịch của người mua trước khi giao dịch. "Đại lý" ở đây được hiểu là những chủ thể "liên tục mua bán súng đạn với mục đích chính để thu lợi nhuận", phải được cấp phép kinh doanh bởi Cục Rượu, Thuốc lá, Vũ khí và Chất nổ của Mỹ.
Theo CNN, người mua phải xuất trình giấy tờ tùy thân cho người bán và điền đơn khai báo thông tin cá nhân (tên tuổi, địa chỉ, sắc tộc...). Hành vi cố tình khai thông tin sai sự thật có thể bị phạt tù đến 10 năm và phạt tiền tới 250.000 USD.
Những người thuộc diện sau sẽ không đủ điều kiện sở hữu súng tại Mỹ: Người bị kết tội nghiêm trọng hoặc đang bị truy tố tội nghiêm trọng; đang trốn chạy pháp luật; người nghiện hoặc dùng ma túy trái phép; khiếm khuyết về tinh thần; nhập cư trái phép; bị trục xuất khỏi quân ngũ; đang chịu lệnh cấm tiếp xúc vì lý do bạo lực gia đình; hoặc phạm tội bạo lực gia đình.
Sau khi nhận tờ khai của người mua, người bán phải gửi thông tin tới FBI qua mạng trực tuyến hoặc qua đường dây điện thoại miễn phí để đối chiếu với dữ liệu trong "Hệ thống kiểm tra lý lịch tư pháp tức thời" (NICS). Hệ thống này làm việc 7 ngày một tuần, 17 tiếng một ngày, kể cả ngày lễ (ngoại trừ Giáng sinh). Nếu hệ thống trả kết quả lý lịch tư pháp trong sạch, giao dịch sẽ được phép diễn ra.
Từ khi được đưa vào hoạt động từ 1998 tới nay, hệ thống NICS đã được sử dụng để thực hiện hơn 230 triệu lượt kiểm tra lý lịch tư pháp trước khi súng đạn chuyển tay, trong đó số lượt giao dịch bị từ chối lên tới hơn 1,3 triệu lần.
Bên cạnh pháp luật liên bang, một số tiểu bang cũng đặt ra yêu cầu riêng như mỗi giao dịch cần trải qua một khoảng thời gian chờ nhất định để tránh trường hợp người mua muốn dùng súng tự sát. Nhà làm luật tiểu bang hy vọng khoảng thời gian này sẽ khiến người có ý định tự sát suy nghĩ lại.
Ngoài các đại lý kinh doanh chuyên nghiệp, một số cá nhân có sở thích sưu tập và trao đổi cũng có thể bán súng qua mạng trực tuyến hoặc qua các buổi triển lãm. Luật pháp liên bang định nghĩa đây là những người không lấy việc kinh doanh súng đạn làm phương thức kiếm sống chủ yếu (thỉnh thoảng bán súng, không quảng cáo,...), và không yêu cầu họ phải kiểm tra lý lịch người mua hoặc ghi chép giao dịch.
Nhiều người cho rằng đây chính là lỗ hổng của pháp luật khi không yêu cầu cá nhân bán súng phải kiểm tra lý lịch người mua như đại lý. Họ lo sợ kẻ xấu sẽ tránh xa đại lý, tìm tới cá nhân để không bị kiểm tra lý lịch khi mua súng. Người ta gọi đây là "lỗ hổng triển lãm súng đạn" vì các bên thường giao dịch tại triển lãm súng, nhưng việc mua bán qua mạng trực tuyến giữa các cá nhân cũng có vấn đề tương tự.
Nhiều dự luật cấp độ liên bang đã được trình trước 7 kỳ Quốc hội Mỹ từ 2001 tới 2013 nhằm loại bỏ "lỗ hổng" này nhưng tất cả đều không được thông qua. Những người phản đối cho rằng "lỗ hổng triển lãm súng" không tồn tại và luật điều chỉnh không có tác dụng làm giảm thương vong do súng đạn vì đại đa số kẻ xấu mua súng từ nguồn phi pháp để tránh bị kiểm tra lý lịch ngay từ đầu.
Tuy vậy, cho tới nay vẫn có 13 tiểu bang tự mình đặt ra luật riêng yêu cầu người bán là cá nhân phải kiểm tra lý lịch người mua trước khi giao dịch. Ví dụ bang California quy định khi hai bên đều không được cấp giấy phép kinh doanh súng, cuộc mua bán phải được thực hiện qua bên trung gian thứ ba có giấy phép. Bên trung gian sẽ đảm nhận việc kiểm tra lý lịch trước khi chuyển súng.
Hiện, vấn đề xung quanh "lỗ hổng triển lãm súng đạn" và "an toàn súng đạn" vẫn còn là chủ đề được tranh cãi kịch liệt trong xã hội và chính trường Mỹ.