Thông tin này được đưa ra trong cuộc họp báo chiều 1/8 của Chính phủ. Trung tướng Lương Tam Quang (Chánh văn phòng, người phát ngôn Bộ Công an) cho biết khi triệt phá đường dây tổ chức đánh bạc qua mạng tại khu đô thị Our City (quận Dương Kinh, Hải Phòng) vào ngày 27/7, nhà chức trách tạm giữ gần 400 người Trung Quốc, trong đó có 19 trường hợp khai báo tạm trú. Những trường hợp còn lại đều lợi dụng đường du lịch để vào Việt Nam.
Nhà chức trách xác định người phạm tội và bị hại đều là công dân Trung Quốc, chưa có bị hại người Việt. Căn cứ hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự và được sự đồng ý của Viện kiểm sát, rạng sáng 1/8 công an đã bàn giao những người này cho cơ quan chức năng Trung Quốc tiếp nhận, xử lý theo đúng quy định.
Bộ Công an đang yêu cầu làm rõ những công ty du lịch đưa khách vào nhưng không quản lý, không khai báo. "Chúng tôi sẽ kiến nghị xử lý hành chính hoặc hình sự nếu có đủ căn cứ"", ông Quang cho biết.
Cơ quan điều tra uớc tính hơn 3 tỷ nhân dân tệ (khoảng 10.000 tỷ đồng) đã được giao dịch trên hệ thống đánh bạc qua mạng này, dưới hình thức cá cược thể thao, dự đoán kết quả xổ số, đánh số lô đề. Đây là vụ án có số lượng người nước ngoài và số tiền đánh bạc, cá cược trên mạng lớn nhất tại Việt Nam. Các nghi phạm hoạt động núp bóng "vỏ bọc" của doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
Cũng tại cuộc họp báo, trả lời về thông tin doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư vào Zalo - mạng xã hội trong nước có hàng chục triệu người dùng, trung tướng Lương Tam Quang cho hay, trong công ty điều hành Zalo có cổ phần của công ty Trung Quốc. Qua theo dõi, Bộ Công an "chưa có tài liệu gì chứng minh ảnh hưởng của yếu tố nước ngoài đối với mạng Zalo". Tuy nhiên ông cũng khẳng định, Công ty VNG điều hành Zalo có cổ phần của Trung Quốc hoạt động trên đất nước Việt Nam phải tuân thủ pháp luật Việt Nam. "Nếu có sai phạm, Bộ Công an sẽ xác minh và xử lý".
Nêu quan điểm về vấn đề này, ông Lê Quang Tự Do, Cục phó cục Phát thanh truyền hình thông tin điện tử cũng cho hay, khi có những yếu tố nhạy cảm, Bộ Thông tin Truyền thông sẽ phối hợp với Bộ Công an để theo dõi.
Trước câu hỏi "vì sao Zalo chỉ được cấp phép phát triển ứng dụng tin nhắn OTT nhưng hoạt động như một siêu mạng xã hội" được nêu tại cuộc họp báo, ông Tự Do cho biết, Zalo khi mới phát triển chỉ đơn thuần là ứng dụng tin nhắn OTT và không cần xin cấp phép. Tuy nhiên, sau một thời gian phát triển, nó có thêm nhiều tính năng khác và trở thành siêu ứng dụng trong đó có tính năng mạng xã hội.
Lúc đầu, tính năng này chỉ thử nghiệm gói gọn trong những người dùng zalo chứ không đại trà, nhưng qua theo dõi, Bộ Thông tin Truyền thông và Sở thông tin Truyền thông TP HCM phát hiện Zalo hoạt động như mạng xã hội mở rộng không phép.
"Chúng tôi đã lập biên bản, xử phạt hành chính, yêu cầu Zalo xin cấp phép. Quan điểm của Bộ là xử phạt nghiêm minh nhưng cũng tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt có cơ hội phát triển", ông Do nói.