"Với tình hình an ninh đang xấu đi ở Niamey, một chiến dịch sơ tán bằng đường không từ Niamey đang được chuẩn bị", đại sứ quán Pháp tại Niger cho biết trong tin nhắn gửi đến công dân hôm nay. Các đợt sơ tán "sắp diễn ra trong thời gian rất hạn chế".
Bộ Ngoại giao Pháp xác nhận thông tin họ đang lên kế hoạch sơ tán công dân và sẽ sớm triển khai. Theo cơ quan này, có gần 1.200 công dân Pháp ở Niger trong năm 2022.
Lực lượng cận vệ tổng thống Niger ngày 26/7 đã bắt và quản thúc tổng thống Mohamed Bazoum tại dinh thự. Quân đội Niger sau đó tuyên bố trung thành với đội cận vệ "để tránh xung đột trong lực lượng vũ trang". Tướng Abdourahamane Tchiani, chỉ huy lực lượng cận vệ, được chọn làm tân lãnh đạo.
Các cuộc biểu tình bài Pháp, ủng hộ Nga bùng phát ở Niamey sau đó. Tổng thống Emmanuel Macron ngày 30/7 cảnh báo Pháp sẽ "lập tức hành động và không khoan nhượng" nếu công dân hoặc lợi ích của Paris bị xâm phạm, khi hàng nghìn người tập trung bên ngoài đại sứ quán Pháp. Một số tìm cách đột nhập vào khu nhà, buộc bảo vệ phải dùng hơi cay để đẩy lùi.
Niger từng là thuộc địa của Pháp trước khi tuyên bố độc lập năm 1960. Đây là quốc gia không giáp biển với diện tích gần 1,3 triệu km2, trong đó khoảng 80% nằm trong sa mạc Sahara. Niger có dân số khoảng 25,4 triệu người, hầu hết theo đạo Hồi, sống tập trung ở miền nam và miền tây đất nước.
Niger còn là đối tác chính của Pháp và Mỹ trong chiến dịch đối phó phiến quân Hồi giáo cực đoan ở vùng Sahel tại Tây và Trung Phi, ngăn chặn tình trạng di cư bất hợp pháp từ khu vực châu Phi cận Sahara. Liên minh châu Âu (EU) cũng có một nhóm nhỏ binh sĩ làm nhiệm vụ huấn luyện quân sự ở Niger. Cả ba bên đều lên án cuộc đảo chính quân sự tại quốc gia Tây Phi.
Niger trở thành quốc gia thứ ba thuộc vùng Sahel rung chuyển vì đảo chính quân sự trong vòng ba năm qua, sau Mali và Burkina Faso. Hai quốc gia này cũng từng là thuộc địa của Pháp.
Cộng đồng Kinh tế Các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) ngày 30/7 yêu cầu Niger khôi phục quyền lực cho tổng thống bị lật đổ Mohamed Bazoum trong vòng một tuần. Quá hạn chót này, ECOWAS sẽ sử dụng "mọi biện pháp", bao gồm cả vũ lực, để khôi phục trật tự hiến pháp tại Niger. Mali và Burkina Faso, hai nước hiện cũng do chính quyền quân sự lãnh đạo, cho biết họ sẵn sàng tuyên chiến nếu Niger bị can thiệp quân sự.
Như Tâm (Theo AFP, Reuters)