Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly đến Mali hôm qua nhằm gây áp lực với chính quyền quân sự, yêu cầu họ chấm dứt những cuộc đàm phán về triển khai lính đánh thuê Nga và giữ lời hứa khôi phục trật tự hiến pháp tại nước này.
Đây là chuyến thăm cấp cao nhất của quan chức Pháp đến Mali kể từ khi xuất hiện thông tin chính quyền quân sự Mali sắp đạt thỏa thuận với tập đoàn an ninh Wagner của Nga. Chính phủ Pháp đang tiến hành nỗ lực ngoại giao nhằm ngăn điều này xảy ra, cho rằng thỏa thuận triển khai lính đánh thuê sẽ "không phù hợp" với sự hiện diện quân sự thường trực của Pháp ở Mali.
"Bà Parly sẽ nhấn mạnh những hậu quả nghiêm trọng nếu giới chức Mali thông qua quyết định này, cũng như khẳng định tầm quan trọng của duy trì thời gian biểu nhằm chuyển tiếp sang nền dân chủ trước cuộc bầu cử vào tháng 2/2022", quan chức giấu tên trong Bộ Quốc phòng Pháp cho hay.
Cộng đồng Kinh tế Các nước Tây Phi (ECOWAS) đã bày tỏ lo ngại với thỏa thuận tuyển lính đánh thuê trên.
Tuy nhiên, chính quyền quân sự Mali dường như không thay đổi quyết định về việc hợp tác với Wagner, chỉ ra rằng Pháp đã bắt đầu thu nhỏ quy mô chiến dịch quân sự đối phó phiến quân thân al-Qaeda và Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại khu vực.
Bộ Ngoại giao Mali hôm 19/8 chỉ trích những phản đối từ nước láng giềng Niger về thỏa thuận với Wagner, cho rằng đây là hành động "thiếu thiện chí, coi thường và không thể chấp nhận".
Lực lượng quân đội Mali lật đổ cựu tổng thống Ibrahim Boubacar Keita vào tháng 8/2020 sau nhiều tuần biểu tình. Sau khi 15 quốc gia ECOWAS đe dọa áp lệnh trừng phạt, chính quyền quân sự đã trao quyền cho chính phủ lâm thời, cam kết cải cách hiến pháp và tổ chức các cuộc bầu cử theo giai đoạn trong vòng 18 tháng.
Pháp duy trì khoảng 5.000 binh sĩ tại Mali để thực hiện các chiến dịch chống khủng bố, nhưng đang điều động một phần lực lượng đến Niger. Nước này dự kiến giảm hiện diện quân sự ở Mali xuống còn 2.500-3.000 quân, đồng thời hối thúc các nước châu Âu điều thêm lực lượng đặc nhiệm đến hỗ trợ.
Vũ Anh (Theo Reuters)