"Pháp tái khẳng định quyết tâm ủng hộ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Moldova trong đường biên giới được quốc tế công nhận", Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày 7/3 tuyên bố tại cuộc họp với người đồng cấp Moldova Maia Sandu, nhân dịp bà đến thăm và làm việc tại Paris.
Ông nhận định Moldova đang đối diện hàng loạt thách thức vì "xung đột biên giới", trong đó có quan hệ với vùng ly khai Transnistria đang yêu cầu Nga can thiệp bảo vệ.
Tổng thống Macron và Tổng thống Sandu chia sẻ quan ngại Moldova đang đối diện áp lực ngày càng lớn từ hình thái "chiến tranh lai", đồng thời có rủi ro trở thành điểm nóng xung đột địa chính trị mới tại châu Âu.
Lãnh đạo Pháp và Moldova đã ký kết hiệp định hợp tác quốc phòng song phương và tài liệu lộ trình hợp tác kinh tế nhằm củng cố năng lực cho Moldova. Mục tiêu của các thỏa thuận này nhằm đảm bảo Moldova "đủ khả năng duy trì lập trường trung lập, bảo vệ lãnh thổ và người dân, đóng góp cho an ninh khu vực và quốc tế".
Pháp dự kiến mở phái bộ hợp tác trực thuộc Bộ Quốc phòng tại thủ đô Chisinau của Moldova vào mùa hè này, hỗ trợ Moldova đánh giá nhu cầu và khởi động đối thoại mua sắm vũ khí.
Hiệp định hợp tác quốc phòng cũng thiết lập khung pháp lý cho các hoạt động song phương tương lai, trong đó có huấn luyện chung, tham vấn và chia sẻ tình báo.
Căng thẳng giữa Moldova và Transnistria leo thang đầu năm nay, sau khi Chisinau quyết định áp thuế đối với hàng nhập khẩu của vùng ly khai vận chuyển qua Moldova. Giữa sức ép kinh tế, các quan chức chính quyền ly khai Transnistria cuối tháng trước thông qua nghị quyết kêu gọi Nga can thiệp bảo vệ vùng đất này.
Đây không phải lần đầu vùng ly khai ở Moldova yêu cầu Nga giúp đỡ. Hồi tháng 5/2023, quan chức chính quyền ly khai Transnistria từng cho biết họ muốn Nga tăng lực lượng đồn trú tại khu vực, nhằm đối phó với quân đội Moldova.
Transnistria là vùng đất hẹp nằm giữa sông Dniester và biên giới Moldova - Ukraine, với dân số hơn 465.000 người, trong đó phần đông nói tiếng Nga. Sau khi Liên Xô tan rã năm 1991, Transnistria tuyên bố ly khai khỏi Moldova, châm ngòi cho cuộc xung đột quân sự vào tháng 3/1992 và kết thúc bằng thỏa thuận ngừng bắn vào tháng 7 năm đó.
Từ năm 1993, Nga triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình với quân số không quá 1.500 người tại Transnistria. Nga cũng duy trì hỗ trợ nền kinh tế của Transnistria bằng nguồn cung khí đốt miễn phí, song khu vực này ngày càng bị cô lập khỏi Moskva kể từ khi xung đột Ukraine bùng phát.
Thanh Danh (Theo AFP, Reuters)