Trong thử nghiệm diễn ra tại bãi phóng tên lửa White Sands, bang New Mexico, Mỹ, hồi tuần trước, một lựu pháo tự hành M109A6 Paladin của lục quân Mỹ khai hỏa viên đạn siêu tốc cỡ 155 mm nhắm vào một máy bay không người lái (UAV) BQM-167 đóng vai tên lửa hành trình.
Kíp điều khiển pháo Paladin đã sử dụng radar và cảm biến để theo dõi mục tiêu đang bay tới. Quả đạn pháo sau đó đánh trúng chiếc BQM-167, phá hủy nó thành từng mảnh.
Đây là một phần trong đợt diễn tập Hệ thống Quản lý Chiến đấu Nâng cao (ABMS) được không quân Mỹ tiến hành tuần trước. Đợt diễn tập nhằm thử nghiệm các hệ thống thu thập, xử lý và chia sẻ dữ liệu giữa lực lượng Mỹ với đồng minh trong thời gian thực.
ABMS, hệ thống chỉ huy mới đang được không quân Mỹ phát triển, sử dụng trí tuệ nhân tạo để thu thập và tổng hợp dữ liệu từ cảm biến trên nhiều nguồn khác nhau, gồm vệ tinh, tiêm kích tàng hình, khinh khí cầu và các trạm radar mặt đất.
ABMS là dự án đầy tham vọng và gây tranh cãi, khi không quân Mỹ sẵn sàng loại biên toàn bộ máy bay chỉ huy để dồn tiền cho chương trình này. Tuy nhiên, quốc hội Mỹ nghi ngờ hệ thống chỉ huy và kiểm soát chiến trường mới không hoạt động tốt như không quân nước này kỳ vọng.
Biên tập viên David Axe nhận định ABMS "đủ tốt để giúp lựu pháo hạ được tên lửa". Lục quân Mỹ gần đây chi hàng tỷ USD để nâng cấp hàng trăm tổ hợp pháo thường và pháo phản lực sau khi bỏ quên lực lượng pháo binh trong nhiều thập kỷ.
"Tổ hợp phòng không Patriot và Hệ thống Phòng thủ Tầm cao Giai đoạn cuối (THAAD) có thể bắn hạ tên lửa đạn đạo đang bay tới. Patriot cũng có thể bắn trúng tên lửa hành trình bay chậm ở tầm thấp. Tuy nhiên, chi phí cho các hệ thống này rất cao", Axe viết và cho biết một tên lửa Patriot có giá 5 triệu USD, còn THAAD giá tới 12 triệu USD.
Viên đạn pháo được dùng bắn hạ mục tiêu tên lửa trong diễn tập tuần trước giá 86.000 USD và có thể đạt tốc độ Mach 5, theo nhà sản xuất BAE Systems. Hãng quốc phòng cho biết chi phí có thể giảm nếu quân đội Mỹ mua số lượng lớn loại đạn này.
Mục tiêu bị pháo M109 bắn hạ trong diễn tập ABMS bay chậm và ở độ cao thấp, song BAE Systems tuyên bố đạn pháo siêu tốc của họ có thể bắn trúng tên lửa đạn đạo bay nhanh và cao hơn. "Sẽ cần thêm các cuộc thử nghiệm để chứng minh điều này", Axe viết.
Pháo tự hành M109 được phát triển và biên chế từ đầu những năm 1960. Lục quân Mỹ sở hữu gần 1.000 biến thể M109A6 và dự kiến nâng cấp khoảng 180 khẩu lên biến thể M109A7 hiện đại hơn.
Nguyễn Tiến (Theo Forbes)