Quả đạn nhiều khả năng đã rơi xuống đất liền thay vì mục tiêu được bố trí ở vùng biển phía đông nước này, theo các nguồn tin quân sự Hàn Quốc. Đây được cho là lý do hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) không nói đây là một vụ thử "thành công", trái ngược với lần phóng trước đó vào ngày 24/8.
Ngoài ra, một bức ảnh do KCNA đăng sau vụ thử cho thấy lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đang thị sát một bệ phóng có 4 ống, trong đó một ống vẫn còn bịt nắp kín, làm dấy lên nghi ngờ Bình Nhưỡng đã phóng 3 quả đạn, trong đó chỉ có hai quả đánh trúng mục tiêu, quả còn lại dường như đã gặp sự cố.
KCNA cho biết hai quả đạn pháo phản lực "siêu lớn" của Triều Tiên được phóng đi từ bãi thử thuộc tỉnh Nam Pyongan ngày 10/9. Vụ thử giúp Triều Tiên định hướng phát triển trong giai đoạn tiếp theo để hoàn thiện hệ thống vũ khí.

Lãnh đạo Kim Jong-un trong buổi phóng thử pháo phản lực siêu lớn của Triều Tiên ngày 10/9. Ảnh: KCNA.
Vụ phóng diễn ra chưa đầy một ngày sau khi Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Choe Son-hui nói Bình Nhưỡng sẵn sàng tái khởi động đàm phán với Washington về vấn đề phi hạt nhân hóa vào cuối tháng 9. Bà Choe Son-hui nhấn mạnh Mỹ cần đưa ra cách tiếp cận mới để tránh làm đàm phán sụp đổ thêm lần nữa.
Bình Nhưỡng gần đây nhiều lần thử tên lửa đạn đạo tầm ngắn và pháo phản lực mới. Các nhà phân tích nhận định Triều Tiên thử nghiệm vũ khí nhằm phát triển kỹ thuật, củng cố năng lực quốc phòng, gia tăng áp lực lên Mỹ và Hàn Quốc trong bối cảnh đàm phán hạt nhân bế tắc.
Quân đội Triều Tiên đang biên chế pháo phản lực KN-09 có đường kính 300 mm và tầm bắn khoảng 190 km, nhưng các chuyên gia Hàn Quốc cho rằng pháo phản lực siêu lớn của nước này có thể có đường kính tới 500 mm và bay được gần 400 km.
Nguyễn Hoàng (Theo Yonhap)