Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu ngày 20/7 ra lệnh cho cánh quân Tây, một trong các mũi tiến công chính trong chiến dịch quân sự tại Ukraine, sử dụng "các vũ khí phản pháo mới" để chế áp triệt để pháo binh đối phương.
Hai ngày trước, khi thị sát cánh quân Đông, ông Shoigu cũng đưa ra mệnh lệnh tương tự, yêu cầu lực lượng này ưu tiên tìm kiếm và phá hủy pháo binh, tên lửa tầm xa của Ukraine.
Chuyên gia phương Tây cho rằng những mệnh lệnh liên tiếp của tướng Shoigu cho thấy Nga "ngầm thừa nhận tính hiệu quả" của Tổ hợp Pháo phản lực Cơ động cao (HIMARS), loại vũ khí mà họ cho là hiện đại nhất trong các gói viện trợ phương Tây dành cho Ukraine.
Đại tướng Valerii Zaluzhnyi, tổng tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang Ukraine, ngày 19/7 tuyên bố các tổ hợp pháo tầm xa do Mỹ cung cấp đang giúp "ổn định tình hình chiến trường".
Giới chuyên gia phương Tây cho rằng bình luận của người đứng đầu quân đội hai nước cho thấy pháo phản lực HIMARS đang giúp quân đội Ukraine dần giành lợi thế trên chiến trường và khiến lực lượng Nga ngày càng e ngại hơn.
Ukraine đã nhận ít nhất 8 trong số 16 tổ hợp HIMARS mà Mỹ cam kết viện trợ và gần đây thông báo tiến hành loạt đợt tập kích vào kho chứa đạn của Nga nằm sâu trong chiến tuyến.
Tướng Zaluzhnyi đánh giá pháo tầm xa là "yếu tố quan trọng trong ổn định các tuyến phòng thủ" của Ukraine, đồng thời tuyên bố quân đội nước này "thực hiện các đợt tấn công phẫu thuật nhằm vào chốt kiểm soát, kho đạn và nhiên liệu của đối phương".
"Tấn công phẫu thuật" là thuật ngữ quân sự dùng để chỉ đợt tập kích có độ chính xác rất cao nhằm gây sát thương cho mục tiêu quân sự, trong khi gây thiệt hại tối thiểu cho công trình, phương tiện hoặc hạ tầng xung quanh.
Để đạt được mức độ chính xác đó, HIMARS sử dụng đạn định vị vệ tinh với tầm bắn 80-90 km, cho phép Ukraine nhắm vào các sở chỉ huy và cơ sở hậu cần quan trọng của Nga sâu trong vùng họ kiểm soát, đồng thời tránh được các loại vũ khí phản pháo của đối phương vốn có tầm bắn ngắn hơn.
Một số chuyên gia phương Tây cho rằng năng lực tập kích tầm xa của Ukraine có thể gián đoạn ưu thế về pháo tầm xa của lực lượng Nga.
Lợi thế về hỏa lực pháo binh cho phép quân đội Nga tăng đà tiến tại chiến trường Donbass, miền đông Ukraine. Tuy nhiên, sau khi kiểm soát thành phố lớn cuối cùng ở tỉnh Lugansk là Lysychansk, lực lượng Nga dường như chưa đạt được thêm bất cứ bước tiến đáng kể nào.
Nhiều chuyên gia quân sự cảnh báo rằng không một hệ thống vũ khí đơn lẻ nào có thể đảo ngược cục diện chiến sự, song vẫn có bằng chứng về hiệu quả của HIMARS trên chiến trường Ukraine. Một quan chức quân sự cao cấp của Mỹ cho biết HIMARS đang mang lại "những tác động đáng kể".
Lực lượng Nga được nhận định có hai lựa chọn để đối phó mối đe dọa từ pháo phản lực HIMARS. Họ có thể tiến hành các đòn tập kích phá hủy các tổ hợp HIMARS và kho đạn, song phương án này rất khó thực hiện.
Ukraine coi HIMARS là loại vũ khí "quý giá nhất" hiện nay và triển khai các biện pháp bảo vệ, che giấu nghiêm ngặt. Sau khi khai hỏa, tổ hợp pháo tự hành này lập tức có thể lao đi với vận tốc tối đa 90 km/h, khiến các loại khí tài trinh sát, phản pháo của Nga không thể xác định được mục tiêu.
Giải pháp tiếp theo của Nga là di chuyển hoặc phân tán kho đạn cũng như các khí tài quan trọng khác, khiến HIMARS khó tìm mục tiêu tập trung để tập kích.
Phillips O’Brien, giáo sư nghiên cứu chiến lược tại Đại học St. Andrews ở Anh, cho rằng sự xuất hiện của HIMARS "đã hạn chế đáng kể hỏa lực pháo binh tập trung của Nga".
Trong khi đó, chuyên gia quân sự Michael Kofman nhận định bài kiểm tra cuối cùng của pháo phản lực tầm xa Mỹ là liệu chúng có giúp Ukraine phản công thành công và tái kiểm soát các vùng lãnh thổ hay không.
Nguyễn Tiến (Theo NY Times)