Forbes ngày 6/5 dẫn lời Doug Bush, trợ lý Bộ trưởng Lục quân Mỹ phụ trách mua sắm, cho biết lực lượng nước này đã sử dụng pháo laser để bắn hạ máy bay không người lái (UAV) thù địch tại Trung Đông. Đây là lần đầu tiên Bộ Quốc phòng Mỹ xác nhận quân đội nước này đã khai hỏa vũ khí laser trong điều kiện chiến đấu thực tế.
"Các vũ khí này có tác dụng trong một số tình huống. Trong các điều kiện thích hợp, chúng đặc biệt hiệu quả với một số mối đe dọa nhất định", ông Bush cho hay.
Quan chức này không đề cập quân đội Mỹ đã khai hỏa pháo laser trong trường hợp cụ thể nào. Kể từ khi xung đột tại Dải Gaza bùng phát tháng 1 năm ngoái, lực lượng nước này tại Trung Đông thường xuyên bị các nhóm dân quân thân Iran tấn công bằng tên lửa, rocket và UAV, trong đó có vụ tập kích vào tiền đồn ở đông bắc Jordan hồi cuối tháng 1 khiến ba binh sĩ Mỹ thiệt mạng và 34 người bị thương.
Ông Bush cũng không tiết lộ lực lượng Mỹ đã dùng loại vũ khí laser nào, song Forbes cho biết nhiều khả năng đó là hệ thống P-HEL, được thiết kế dựa trên pháo laser Locust của nhà thầu quốc phòng Blue Halo.
Locust là thiết bị dạng hộp gắn trên kệ được điều khiển bằng tay cầm của máy chơi game Xbox, có khả năng phóng chùm tia laser công suất tương đối thấp 20 kilowatt, đủ để làm tan chảy một điểm yếu trên UAV chỉ trong vài giây và khiến nó rơi xuống đất.
Blue Halo trước đó cho biết lục quân Mỹ tháng 11/2022 đã bắt đầu sử dụng P-HEL ở nước ngoài, đánh dấu lần đầu tiên "một hệ thống vũ khí laser lớn" được triển khai hoạt động. Tuy nhiên, giới chức Mỹ chưa từng xác nhận đã sử dụng nó trong điều kiện thực chiến cho tới đầu tháng 5.
Đây được đánh giá là cột mốc quan trọng với Lầu Năm Góc, trong bối cảnh quân đội nước này đang đau đầu với bài toán chi phí trong cuộc chiến UAV, mặt trận mà phe phòng thủ thua thiệt hơn so với bên tấn công. Tên lửa đánh chặn của quân đội Mỹ thường có giá cao gấp đôi tên lửa tấn công, đồng thời đắt hơn rất nhiều so với các mẫu UAV giá rẻ được sử dụng phổ biến tại Trung Đông và chiến trường Ukraine.
Trong 6 tháng qua, các tàu chiến Mỹ ở Biển Đỏ đã liên tục phải khai hỏa những quả tên lửa giá hai triệu USD để bắn chặn UAV 2.000 USD, nhằm bảo vệ tàu hàng khỏi các cuộc tập kích của lực lượng Houthi ở Yemen.
Các vũ khí năng lượng định hướng như laser có thể là câu trả lời cho quân đội Mỹ với bài toán chi phí này, do chúng có giá rẻ hơn tên lửa rất nhiều.
Theo báo cáo năm 2023 của Văn phòng Trách nhiệm Chính phủ Mỹ (GAO), mỗi lần khai hỏa vũ khí laser chỉ tiêu tốn từ một đến 10 USD tiền nhiên liệu diesel chạy máy phát điện. Một lợi ích khác của vũ khí laser là khả năng tàng hình, do các chùm tia laser thường vô hình và không phát ra âm thanh.
Nhược điểm của loại khí tài này là chi phí chế tạo rất cao. Các nguyên mẫu P-HEL đầu tiên có giá 8 triệu USD mỗi chiếc, trong khi những phiên bản thử nghiệm của hệ thống DE M-SHORAD mạnh mẽ hơn với công suất 50 kilowatt có giá tới 73 triệu USD, gần bằng tiêm kích tàng hình F-35.
Tính hiệu quả của vũ khí laser cũng là dấu hỏi, do tia laser có thể bị cản trở bởi bão cát, mưa, sương mù và màn khói. Ngay cả trong điều kiện quang đãng, hiện tượng nhiễu động không khí cũng có thể làm tia laser bị lệch và yếu đi. Chùm tia cũng cần phải tập trung vào một điểm trên mục tiêu trong vài giây để phá hủy nó, nên không rõ có thể đối phó hiệu quả với chiến thuật bầy UAV hay không.
Dù vậy, vũ khí laser vẫn được Mỹ và một số quốc gia khác kỳ vọng là quân bài chiến lược để tiêu diệt UAV giá rẻ. Bộ Quốc phòng Anh hồi giữa tháng 1 thử nghiệm pháo laser "Lửa Rồng" có khả năng phát hiện, bắn trúng UAV và các mục tiêu nhỏ như đồng xu ở khoảng cách một km.
Bộ trưởng Quốc phòng Anh Grant Shapps nhấn mạnh "Lửa Rồng" có tiềm năng "cách mạng hóa" phương thức chiến đấu trong tương lai, giúp giảm phụ thuộc vào các loại đạn đắt tiền và hạn chế thiệt hại ngoài dự kiến.
Giới chức Ukraine sau đó kêu gọi Anh chuyển giao "Lửa Rồng" để thay London thử nghiệm hoạt động của tổ hợp này trong điều kiện thực chiến, đề cập việc đối phó UAV Nga. Ông Shapps ngày 12/4 cho biết sẽ xem xét đẩy nhanh tiến độ triển khai pháo laser "Lửa Rồng" để có thể sớm chuyển giao khí tài này cho Kiev.
Phạm Giang (Theo Forbes, Newsweek, Telegraph)