Tập đoàn quốc phòng Rafael của Israel hôm qua công bố video thử nghiệm hệ thống vũ khí laser Drone Dome, khí tài được kỳ vọng sẽ trở thành lá chắn phòng thủ thứ tư của nước này, bên cạnh các tổ hợp tên lửa phòng không tầm ngắn đến tầm xa.
Trong thử nghiệm, hệ thống Drone Dome phải đối đầu với 4 máy bay không người lái (drone), trong đó một chiếc bay đơn lẻ, ba chiếc còn lại bay theo đội hình để mô phỏng hình thức tấn công bằng đàn drone thường được các nhóm dân quân vũ trang và phiến quân tại Trung Đông áp dụng.
Thử nghiệm hệ thống Drone Dome. Video: Rafael.
Hệ thống camera trên Drone Dome phát hiện và bám bắt mục tiêu từ xa, sau đó bộ phát laser năng lượng cao được kích hoạt để đốt cháy linh kiện trên drone, khiến chúng lao xuống đất. Nhà sản xuất cho biết pháo laser này được bố trí trên một xe bán tải và chỉ cần một binh sĩ vận hành.
Drone Dome ra mắt từ năm 2016, nhưng đã được thay mới toàn diện. Hệ thống nguyên bản gồm nhiều thiết bị nằm cố định trên mặt đất thay vì gói gọn trên khung gầm xe bán tải. Drone Dome thế hệ đầu cũng không sử dụng vũ khí laser để đốt cháy mục tiêu mà phát tín hiệu gây nhiễu buộc drone hạ cánh hoặc trở về nơi xuất phát.
Sự phổ biến của drone đã mang tới nhiều mối đe dọa, trong khi các nước chưa có phương án đối phó thật sự hiệu quả. Drone thường có giá tương đối rẻ và mang được lượng thuốc nổ đủ lớn để gây thiệt hại cho các cơ sở quân sự quan trọng. Tầm bay và độ chính xác của drone giá rẻ cũng ngày càng được nâng cao.
Đây là vũ khí ưa thích của nhiều nhóm phiến quân và khủng bố. Phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã dùng hàng chục drone gắn thuốc nổ để phá hủy xe thiết giáp Iraq trong chiến dịch tại Mosul năm 2016. Quân đội Nga cũng từng nhiều lần chặn đứng âm mưu tấn công sân bay Hmeymim và quân cảng Tartus bằng drone của phiến quân Syria, trong đó vũ khí chủ lực được Nga sử dụng là tổ hợp phòng không tầm ngắn Pantsir-S1, Tor và các hệ thống tác chiến điện tử.
Vũ Anh (Theo Sputnik)