Qua điện thoại, giọng của ông gấp gáp: "Xin các anh cử người đến cứu gia đình tôi. Em tôi đang đập phá, dồn đánh vợ con, kêu khóc đòi tự tử".
Xen lẫn lời thất thanh của người đàn ông là tiếng loảng xoảng của bát chén xoong chảo, tiếng trẻ con khóc thét và giọng van nài hoảng loạn của người phụ nữ: "Xin anh tha cho vợ con, anh ơi".
Nhận thấy tình huống cấp bách, Bảo Anh trấn tĩnh người gọi, đồng thời hỏi nhanh thông tin về bệnh nhân và được biết trường hợp này có tiền sử trầm cảm nặng, nay bệnh tái phát nặng hơn với triệu chứng loạn thần.
Xác định đây là trường hợp cần cấp cứu thực sự, tổng đài viên chuyển ngay thông tin cùng địa chỉ, số điện thoại người nhà, đề nghị đến Trung tâm Cấp cứu 115 xử trí. Ê kíp cấp cứu ngoại viện của 115 lên đường và đến nhà người bệnh chỉ sau 15 phút.
Lúc này, người chồng đang co rúm người ngồi bệt ở góc nhà, xung quanh là mảnh vỡ của bát chén, bàn ghế ngổn ngang, vợ con trốn vào phòng riêng, chỉ còn người anh đứng cách xa 2 mét đứng trông chừng. Kíp cấp cứu liên hệ với bác sĩ của Bệnh viện Tâm thần (TP.HCM) tham vấn chuyên môn, rồi giải thích, an ủi để bệnh nhân không lo sợ, hoảng loạn.
Khi tâm lý người đàn ông bớt hung hãn, nhân viên y tế dự định cùng thân nhân đưa người bệnh tới Bệnh viện Tâm thần TP HCM thăm khám. Tuy nhiên, bệnh nhân và người nhà không đồng ý nhập viện, chỉ muốn điều trị ngoại trú nên bác sĩ phải dặn dò kỹ lưỡng về việc chăm sóc, giám sát và cho người bệnh dùng thuốc theo đúng liều lượng, thời gian; không ở gần những vật dụng có thể gây hại. Đồng thời bác sĩ yêu cầu người nhà nâng đỡ, chăm sóc người bệnh sát sao trong giai đoạn khó khăn này và đưa đến viện ngay khi có triệu chứng kích động trở lại.
Bác sĩ Vũ Kim Hoàn, Phó trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp, Bệnh viện Tâm thần TP HCM, cho biết hiện người đàn ông đã tạm ổn nhưng vẫn cần tái khám và điều trị bệnh trầm cảm tích cực, theo đúng y lệnh.
Đây là một trong số 11 ca cấp cứu được phối hợp thực hiện bởi Bệnh viện Tâm thần và Trung tâm Cấp cứu 115 trong hơn một tháng triển khai mô hình "Cấp cứu trầm cảm" đầu tiên trên cả nước. Riêng tổng đài của bệnh viện đã tiếp nhận hơn 200 cuộc gọi, tổng đài 115 tiếp nhận 24 cuộc gọi liên quan trầm cảm. Từ các cuộc gọi này, nhân viên y tế đã tiếp cận, hỗ trợ, tư vấn cho hàng trăm người dân có dấu hiệu hoặc mắc bệnh trầm cảm.
Mô hình cấp cứu này của TP HCM ra đời trong bối cảnh đại dịch thổi bùng các bệnh lý tâm thần, trong đó tỷ lệ mắc trầm cảm của người dân thành phố lên cao. Theo bác sĩ Hoàn, trầm cảm có thể gặp ở mọi lứa tuổi. Tỷ lệ mắc bệnh này trong dân số chung tăng dần trong những năm gần đây, hiện khoảng 5-7%. Còn trên thế giới, sau dịch Covid-19, trầm cảm và các bệnh lý tâm thần trên dân số chung tăng đột biến lên 15-20%, theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Thực tế, tại Bệnh viện Tâm thần TP HCM, từ tháng 7/2021 (thời điểm Covid-19 bùng phát mạnh) đến nay, số lượt bệnh nhân đến khám vì rối loạn trầm cảm từ thể nhẹ đến trung bình, nặng đều tăng. Trong đó, số bệnh nhân bị trầm cảm trung bình tăng 36%, trầm cảm nặng tăng 31%. Mỗi ngày khoa khám bệnh tiếp nhận khoảng 600-1.000 người đến khám về các bệnh lý tâm thần, nhiều nhất là rối loạn khí sắc như trầm cảm, rối loạn lo âu kết hợp trầm cảm, các rối loạn loạn thần hoặc rối loạn giấc ngủ...
Còn bệnh nhân cần cấp cứu qua đường dây 115 chủ yếu là người đã có ý định hoặc đang thực hiện các hành vi tự sát; hoặc la hét, đập phá đồ đạc, tự làm đau bản thân và dọa giết những người xung quanh, theo bác sĩ Nguyễn Duy Long, Giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115.
Nhân viên y tế đã can thiệp kịp thời, giảm thiểu tối đa mức độ gây hại, cứu sống người bệnh sau đó xử trí theo quy trình, đưa đến Bệnh viện Tâm thần để thăm khám và điều trị. Mặc dù vậy, có hai trường hợp khi người nhà phát hiện và gọi cấp cứu, bệnh nhân đã tử vong.
Bác sĩ Long cho hay, nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ các chứng bệnh tâm thần tăng là do áp lực của cuộc sống hiện đại, con người phải năng động, xoay xở để thích nghi với xã hội. Nếu không theo kịp, người dân dễ bị tụt lùi, rồi dẫn đến các vấn đề trầm cảm, tâm thần. Đặc biệt, đại dịch Covid-19 mang đến những tác động tiêu cực hơn, "đánh" mạnh vào tâm lý người dân, như phải chứng kiến nhiều người thân qua đời vì bệnh tật, gặp khó khăn kinh tế, thất nghiệp, bị cản trở giao tiếp xã hội, mâu thuẫn gia đình...
"Nhiều yếu tố ảnh hưởng, tác động cùng lúc khiến người dân không thể thích ứng và vượt qua khó khăn. Từ đó, họ phát sinh suy nghĩ và hành vi tự tử", ông Long nói.
Trước đây, Trung tâm cấp cứu 115 đã rải rác cấp cứu các trường hợp có dấu hiệu tâm thần như ngáo đá, trầm cảm, làm hại bản thân. Tuy nhiên, thời điểm đó nhân viên cấp cứu ngoại viện chưa được đào tạo chuyên sâu về cấp cứu tâm thần nên gặp nhiều khó khăn, nhất là bước đầu tiếp cận, bác sĩ Long cho hay.
Ông dẫn chứng một nam bệnh nhân bị loạn thần, kích động mạnh, khua dao loạn xạ không cho bất kỳ ai đến gần, do đó nhân viên y tế không thể can thiệp ngay, phải nhờ công an, chính quyền địa phương. Ngoài ra, vì chưa có chuyên môn, lại không đủ thuốc nên việc ổn định tâm lý bệnh nhân gặp khó. Đôi khi nhân viên y tế không chắc chắn thời điểm nào cần cố định bệnh nhân, cho dùng thuốc an thần ra sao là đúng chỉ định. Có những trường hợp phải mất 4-5 giờ xử trí.
Khi mô hình cấp cứu trầm cảm được triển khai, với sự hỗ trợ của các chuyên gia tâm thần, những khó khăn này dần được khắc phục. Nhân viên được đào tạo thêm về bệnh lý tâm thần, các tình huống cấp cứu cũng như các kỹ thuật cố định bệnh nhân, sử dụng thuốc an thần đúng quy định. Việc xử trí cấp cứu cũng nhanh, an toàn và chuẩn xác hơn.
"Đặc biệt là người dân đã biết địa chỉ để gõ cửa khi cần", bác sĩ Hoàn nói. Cụ thể, thay vì không biết tìm đến ai để được hỗ trợ khi chính bản thân, người thân, hàng xóm có vấn đề về tâm lý, nay người dân có đồng thời hai kênh tổng đài 115 và 19001267, luôn trực tuyến 24/7. Như vậy, họ có thêm cơ hội để tiếp cận y tế và can thiệp khẩn cấp cũng như điều trị lâu dài, nhất là với những bệnh nhân trước đó chưa được chẩn đoán trầm cảm.
Tuy rằng lượng bệnh nhân sẽ tăng, công việc sẽ nhiều và căng thẳng khi mô hình này phổ biến rộng rãi hơn, nhưng bác sĩ Hoàn cho rằng, "điều tốt đẹp nhất" là nhiều ngăn được hành vi tự tử, người bệnh trầm cảm được phát hiện sớm, điều trị kịp thời. Như vậy, cơ hội để tìm ra căn nguyên bệnh, điều trị khỏi hoàn toàn cho người bệnh cao hơn.
"Đây chính là trách nhiệm, cũng là động lực và niềm vui của y bác sĩ, khi chúng tôi cứu sống được một mạng người", ông nói.
Thư Anh
*Tên nhân vật được thay đổi