Tôi rốt cuộc đã hiểu vì sao Phước thấy khó. Bạn tôi gần 50 tuổi, hiện buôn bán phụ tùng sửa xe và muốn lên đời "bốn bánh" sau nhiều năm lao động tích góp. Từ mấy tháng qua, anh khốn khổ với công cuộc tìm kiếm bằng lái ôtô do luôn gặp trở ngại ở bài thi trên phần mềm mô phỏng. Phước tỉ mẩn, khéo tay và cẩn trọng, cái cần số, vô lăng không phải chuyện khó với anh, nhưng bàn phím máy tính lại là chuyện khác. Phước cảm thấy lạ lẫm và không hiểu tại sao phải tập "chơi điện tử" để được lái ôtô.
Ban đầu khi nghe Phước mô tả, tôi hình dung ra một buồng lái giả lập với màn hình rộng như kính lái và cửa sổ hai bên của ôtô, kèm theo vô lăng, hệ thống bàn đạp dưới chân và nút nhấn đèn tín hiệu cảnh báo. Tại Pháp, nhiều cơ sở đào tạo lái xe cũng đưa vào sử dụng buồng lái giả lập như vậy cho những học viên mới để làm quen với cảm giác và phản xạ khi lái xe. Việc này cũng nhằm giảm áp lực của học viên khi lần đầu cầm vô lăng. Ở đây, kỳ thi bằng lái cũng gây cảm giác căng thẳng và được ví như tốt nghiệp Đại học.
Mặc dù vậy, việc học ở các buồng lái giả lập không phải lúc nào cũng được đánh giá cao về tính hiệu quả - ngoại trừ việc giảm chi phí phải trả trước mắt của học viên (vì có thể tự học mà không cần người hướng dẫn).
Bài thi thử của Phước, không hề có bất kỳ sự giả lập nào "trông giống" như đang lái ôtô.
Ngày 5/1, Cục Đường bộ thông báo rằng bài thi trên phần mềm mô phỏng vẫn sẽ được áp dụng từ ngày 1/2 với phần mềm được nâng cấp để "mượt mà" hơn và kéo dài thời gian cho phép phản xạ của thí sinh - điều rất cảm tính. Tại Pháp, người ta ghi rõ con số hai giây tính từ lúc người lái xe có nhận thức cần phản xạ cho đến khi xe được điều khiển như ý muốn. Vì vậy, căn cứ theo tốc độ cho phép trên tuyến đường, người ta có thể tính ra khoảng cách cần phải giữ an toàn.
Trong khi đó, hình thức thi mô phỏng ở Việt Nam vẫn như cách đã được áp dụng từ vài tháng qua. Tôi cũng tự hỏi, tại sao việc thi bằng lái xe cuối cùng lại đòi hỏi kỹ năng sử dụng máy tính mượt mà?
Bài thi lái xe trên phần mềm mô phỏng vì vậy, nên bỏ hẳn; hoặc nếu giữ, phải nâng cấp và thay đổi, đáp ứng tiêu chuẩn của một buồng lái giả lập đúng nghĩa.
Thứ nhất, việc sử dụng phương tiện giao thông trên đường phải tuân thủ ba yếu tố cơ bản: các quy tắc được quy định bởi Luật giao thông, khả năng áp dụng các quy tắc đó trên phương tiện, và tốc độ áp dụng quy tắc trên phương tiện trong giới hạn cho phép. Bài thi trên phần mềm mô phỏng (chính xác là trên máy tính với phần mềm mô phỏng) gần như không nhằm đáp ứng yếu tố nào trong ba yếu tố trên.
Thứ hai, vai trò của các hệ thống mô phỏng là để tránh thực hiện một thao tác nào đó trong môi trường thực tế nhưng vẫn bảo đảm mọi điều kiện tương đương trong môi trường thực tế. Thế nên, nếu sử dụng mô phỏng nhằm đánh giá yếu tố tốc độ áp dụng quy tắc, học viên hoặc người thi phải được ở trong hệ thống hoàn toàn mô phỏng phương tiện giao thông đang lưu thông trên đường. Tuy nhiên, như đã đề cập ở trên, tại Pháp hệ thống mô phỏng này cũng không phổ biến và chỉ dùng để giúp học viên giảm bớt căng thẳng trong những giờ đầu tiên ngồi ghế lái. Do đó, việc luyện tập trên một hệ thống hoàn toàn không tương tự phương tiện di chuyển không có nhiều ý nghĩa với công tác đào tạo lái xe. Đó là chưa kể việc áp dụng nó cho kỳ sát hạch. Khi đề cập đến cái gọi là hệ thống, người ta phải xây dựng một mô hình hoàn chỉnh từ phần mềm cho đến phần cứng. Đối với sự cải tiến trong kỳ sát hạch lái xe này, Cục Đường bộ vẫn chỉ chú trọng vào phần mềm và loay hoay nâng cấp phần mềm, mà quên đi vai trò "thân xác" của phần cứng.
Quyết định mới nhất của Cục Đường bộ trở thành nỗi thất vọng to lớn của Phước. Một bạn thi mách Phước mẹo "học thuộc tình huống, canh phím space", nhưng anh luyện mãi chưa thành thục. Không còn cách nào khác, sắp tới, anh sẽ phải tiếp tục "đánh vật" với bàn phím thay vì vô lăng.
Võ Nhật Vinh