Khi siêu bão Harvey đổ bộ bang Texas, đe dọa tính mạng hàng triệu người với mưa lớn gây lũ lụt kinh hoàng và gió giật với vận tốc lên tới 210 km/h, Tổng thống Mỹ Donald Trump lên mạng xã hội Twitter để tường thuật trực tiếp diễn biến cơn bão, theo Washington Post.
"Wow, các chuyên gia gọi Harvey là trận lụt 500 năm mới có một lần", ông Trump sáng 27/8 tweet. "Rất nhiều người nói đây là cơn bão tồi tệ nhất mà họ từng chứng kiến".
"Thậm chí cả giới chuyên gia cũng nói họ chưa bao giờ nhìn thấy cơn bão nào như thế!", Tổng thống Mỹ viết trong một dòng tweet khác.
Với nỗ lực nhằm thể hiện sự tham gia tích cực của bản thân, ông Trump liên tục tung ra hàng loạt thông điệp trên trang mạng xã hội quen thuộc sau khi bão Harvey làm sạt lở đất ở bờ biển Texas và được xếp bão cấp 4 trong thang 5 cấp ở Mỹ.
Ông chủ Nhà Trắng ca ngợi "khả năng phối hợp tuyệt vời" giữa chính quyền liên bang và giới chức địa phương, đồng thời dành lời khen tặng "những cá nhân tài năng ngoài hiện trường".
Trong khi đó, các cơ quan dự báo cho rằng lượng mưa do bão Harvey còn tiếp tục tăng. Tính tới chiều 27/8, tại nhiều khu vực ở bang Texas, nước lũ đã dâng cao hơn 4 m. Cơn bão đến nay khiến ít nhất 5 người thiệt mạng và hàng chục người bị thương.
Theo Cơ quan Dự báo Thời tiết Quốc gia Mỹ, bão Harvey gây ra "lũ lụt thảm khốc" ở thành phố Houston và tình trạng nhiều khả năng "còn trầm trọng hơn nữa".
Giám đốc Cơ quan Quản lý Tình trạng Khẩn cấp Liên bang Mỹ (FEMA) Brock Long cho hay chính quyền đang lên kế hoạch ứng phó trên diện rộng và công tác khắc phục hậu quả có thể mất nhiều năm. Thiệt hại do bão Harvey gây ra với bang Texas được đánh giá là ngang cơn bão Katrina hồi năm 2005, thảm họa thiên nhiên tồi tệ nhất lịch sử Mỹ.
Thách thức
Thiệt hại do siêu bão Harvey gây ra nhìn từ trên cao.
Cách Tổng thống Trump phản ứng làm dấy lên câu hỏi liệu có quá sớm không khi ông khẳng định công tác đối phó với cơn bão đã thành công giữa lúc hàng trăm người đang phải đối mặt với nguy hiểm và giai đoạn tồi tệ nhất của cơn bão vẫn chưa đi qua.
"Chẳng có gì là hấp tấp nếu bạn làm đúng cách", cố vấn an ninh nội địa Mỹ Tom Bossert nói với kênh CBS. "Ông Long từ FEMA, tôi và Tổng thống đã ngồi lại với nhau để đánh giá cẩn thận vấn đề rồi đi đến quyết định hôm 25/8 ban hành tuyên bố thảm họa trước khi trận lở đất xảy ra". "Nó giúp giải phóng tài nguyên liên bang", ông Bossert cho biết thêm.
Ông Trump theo dõi cơn bão từ Trại David, khu nghỉ dưỡng của tổng thống Mỹ ở Maryland, cách Nhà Trắng khoảng 112 km. Tại Washington, Phó tổng thống Mike Pence, Bossert và các cố vấn khác cùng quan sát diễn biến với ông chủ Nhà Trắng qua một cuộc họp trực tuyến.
"Những gì tổng thống Mỹ làm trước một thảm họa lớn phản ánh khả năng lãnh đạo của ông ấy đối với các nhân viên liên bang, những người trực tiếp liên quan, và kể cả công chúng, nhằm khiến tất cả cùng chung tay cũng như trấn an dân chúng", Leo Bosner, chuyên gia về quản lý tình trạng khẩn cấp từng công tác tại FEMA 29 năm, nhận xét. "Ông ấy chủ yếu lên tiếng để trấn an và làm mọi người yên tâm, đồng thời cập nhật tình hình".
"Nhưng Tổng thống Trump không nên cố làm công việc của giám đốc FEMA", ông Bosner nói.
Theo cây bút Abby Phillip từ Washington Post, cách Tổng thống Trump xử lý cuộc khủng hoảng chắc chắn sẽ được theo dõi sát sao. Thời điểm trước khi các thông tin xấu về cơn bão Harvey xuất hiện, thượng nghị sĩ Cộng hòa bang Iowa Charles Grassley đã công khai cảnh báo Trump về những rủi ro mà ông có khả năng gặp phải nếu phản ứng không phù hợp trước siêu bão.
"Hãy đặt bão Harvey lên hàng đầu", ông Grassley viết, kêu gọi Tổng thống Trump không lặp lại sai lầm của cựu tổng thống George W. Bush khi phản ứng với cơn bão Katrina hồi tháng 8/2005.
Dù cảm ơn lời cảnh báo từ thượng nghị sĩ Grassley, Tổng thống Trump có lẽ vẫn không để tâm tới nó.
Sáng 27/8, thông điệp đầu tiên ông Trump đưa ra không phải về thông tin mực nước dâng cao do lũ đang đe dọa nhấn chìm thành phố lớn thứ 4 nước Mỹ. Thay vào đó, ông đề cập tới một cuốn sách do cảnh sát trưởng Milwaukee David Clarke viết. 15 phút sau ông mới thông báo chính quyền đang xử lý "những cơn mưa lớn và lũ quét", đồng thời nhắc lại cam kết sẽ tới Texas khi có thể. Đến cuối buổi, Nhà Trắng cho biết Tổng thống Trump đang lên kế hoạch đến Texas vào ngày 29/8.
Trong lúc các cố vấn và đại diện của ông xuất hiện trên sóng truyền hình quốc gia để phản ứng trước cơn bão, Trump lại tiếp tục thay đổi chủ đề, thông báo về kế hoạch xuất hiện ở Missouri, nhấn mạnh ông đã chiến thắng "lớn" trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016 và truyền đi một thông điệp cảnh báo tới thượng nghị sĩ Dân chủ bang Missouri.
"Chúa ơi", thượng nghị sĩ Dân chủ bang Connecticut đáp lại thông điệp trên Twitter mà Tổng thống Trump đăng tải. "Giữa lúc người dân đang đối mặt với cái chết vì thảm họa thiên nhiên tồi tệ nhất trong nhiệm kỳ của ông ấy thì Tổng thống lại công kích đảng Dân chủ".
Phủ nhận những ý kiến nói ông Trump chưa hành động thực sự quyết liệt để đối phó với bão Harvey, cố vấn an ninh nội địa Bossert cho hay Tổng thống Mỹ đã tham gia một cuộc họp kéo dài hai tiếng hôm 26/8 thảo luận về cơn bão, đồng thời bàn bạc sơ bộ qua điện thoại sáng 27/8. Bossert thêm rằng Tổng thống và Phó tổng thống còn gọi điện "hàng chục lần" cho ông cũng như các quan chức khác để cập nhật tình hình.
"Tổng thống chủ động tham gia và muốn đảm bảo rằng các chiến dịch cứu trợ, cứu hộ được phối hợp thực hiện chặt chẽ", Bossert nhấn mạnh.
Thượng nghị sĩ Cộng hòa bang Texas Greg Abbott ca ngợi nỗ lực của chính quyền liên bang trong việc ứng cứu thảm họa. "Chúng ta không thể đánh giá cao hơn những gì chính quyền liên bang đã làm, từ Tổng thống trở xuống", ông Abbott nói. "Bởi tất cả những thứ chúng ta yêu cầu, họ đều đáp ứng".
Vũ Hoàng