Làm sao để phán đoán một người đang nói dối? Trong cuộc sống hàng ngày, người bình thường như chúng ta làm thế nào để vạch trần những lời nói dối? Theo Health Sina, người nói dối luôn để lộ ra những lỗ hổng trên phản ứng cơ thể, chỉ cần chịu khó quan sát bạn sẽ nhận ra ngay. Nghiên cứu cho thấy ngôn ngữ cơ thể chiếm khoảng 55% lượng thông tin giao tiếp hàng ngày. Cơ thể chịu sự kiểm soát của vô thức nhiều hơn nên chúng ta có thể từ ngôn ngữ cơ thể của người nói mà phát hiện ra một số bí mật. Khi một người nói dối thường có biểu hiện như:
Nửa người trên căng cứng hoặc xáo trộn
Một người nói dối luôn cố gắng che đậy sự dối trá của họ, do đó rất dễ dàng có hành động mất kiểm soát. Để ngăn chặn sự bất an và bồn chồn, họ cố gắng áp chế xung động của cơ thể nhưng vô hình chung lại khiến cơ thể trở nên căng cứng và lóng ngóng. Trong một số trường hợp khi không thể áp chế xung động cơ thể, người nói dối sẽ không ngừng làm những động tác nhỏ như dụi mắt, chạm vào cồ mình, mắt liếc dáo dác sang hai bên, hai bàn tay có cảm giác thừa thãi, lóng ngóng.
Bàn tay chặn miệng
Người nói dối thường vô thức dùng ngón tay hoặc cả bàn tay chặn miệng. Một số còn giả vờ ho để ngụy trang hành động lấy tay chặn miệng của mình. Từ góc độ tâm lý học, việc dùng tay chặn miệng là do tiềm thức của cơ thể đang chống đối lại lời nói dối, đây là một cơ chế bảo vệ tâm lý.
Ví dụ có người nói rất thích kiểu tóc của bạn hôm nay vừa lấy tay chặn miệng, rất có khả năng trong lòng người đó không thích kiểu tóc của bạn nhưng vì lịch sự nên đưa ra một lời nói dối thiện ý.
Nụ cười
Nghiên cứu cho thấy khi người ta nói dối thường giả cười để giảm bớt sự căng thẳng trong nội tâm. Tuy nhiên một nụ cười thực sự rất khó ngụy trang, vì người đối diện phải cảm nhận được tâm trạng hân hoan hạnh phúc mới là nụ cười thực sự. Nụ cười chân thật là khi mắt xuất hiện nếp nhăn, vùng da quanh mắt tụ lại gần nhau, toàn bộ khuôn mặt phối hợp rất tự nhiên.
Mắt
Đôi mắt là cửa sổ tâm hồn, khi một người nói dối, trong mắt có nhiều chuyển động nhẹ nhàng. Ví dụ khi nói dối, mắt nhìn lên trên sau đó nhìn sang bên phải hoặc tốc độ chớp mắt rất nhanh hay che mắt lại. Tất nhiên khi nói dối, để làm cho đối phương tin tưởng vào điều mình nói, người nói dối có nhiều tiếp xúc bằng mắt hơn lúc bình thường.
Những biểu cảm nhỏ kể trên cần đặt vào hoàn cảnh thực tế nhất định thì mới phát huy hiệu quả. Người bị tâm thần bẩm sinh thường xuyên xuất hiện những biểu cảm lạ như thế. Muốn xác định được đối phương có nói dối hay không, cần quan sát những phản ứng bình thường của họ trong thường thức, sau đó đối chiếu với những biểu cảm liệt kê ở trên, từ đó phán đoán là thật hay giả.
Tuy vậy, trong cuộc sống rất khó để tìm được một người không bao giờ nói dối. Nói dối trở thành một việc khó tránh khỏi. Ví dụ, được tặng một món quà mình không thích, cũng nên nói “Cảm ơn bạn, tôi rất thích nó” thay vì nói thẳng là mình không thích. Những lời "nói dối trắng" dạng thiện ý như vậy không nên bài trừ một cách quá nghiêm khắc.
Thi Trân