Việt Nam thi đấu như thế nào dưới thời ông Troussier sau một năm, tôi xin có một góc nhìn như sau:
Sơ đồ chiến thuật 3-4-3 hay 3-5-2 của HLV Troussier vận hành ra sao
Trên lý thuyết
- Khi triển khai bóng từ thủ môn đến các trung vệ lệch thì tuyến tiền vệ sẽ được kéo thấp xuống để đảm bảo khoảng cách giữa các tuyến nhằm tạo ra các tam giác chuyền bóng, đập nhả, như tam giác Tuấn Tài, Minh Trọng, Thái Sơn là những cầu thủ thấm nhuần triết lý của ông Troussier.
Nhiều người thắc mắc là tại sao Tuấn Tài lại thường được ưu tiên sử dụng dù cầu thủ này tranh chấp hay kỹ năng phòng ngự đều kém hơn các trung vệ khác thì nó có lý do như sau: Tuấn Tài thuận chân trái, có khả năng chuyền bóng bằng chân trái tốt với các đường chuyền hướng lên tuyến trên cho các cầu thủ nhận chân trái nhận bóng từ đó mở ra các đường lên bóng ở cánh trái.
Thống kê ở World Cup 2022 chỉ ra rằng khi một cầu thủ cánh trái nhận bóng thường tạo ra các pha nguy hiểm hơn ở cánh phải và các cầu thủ chạy cánh hàng đầu hiện nay đa phần ở cánh trái: Mitoma, Vinicius, Martinelli, hay Mbapbe cũng rất thích chơi ở cánh trái...
Ngoài ra Tuấn Tài có khả năng phối hợp tốt với Minh Trọng và Đình Bắc một cầu thủ có tốc độ tốt chơi ở vị trí tiền đạo cánh trái cũng thích dạt cánh trái. Trong các trận đấu của ông Troussier nếu có thay đổi ông cũng nhắm vào cánh trái đầu tiên như Văn Khang vào sân thường bố trí đá ở cánh trái nên ở thời ông Troussier thủ môn khi chuyền bóng thường nhắm về cánh trái nhiều hơn cánh phải.
- Khi tấn công, đầu tiên thủ môn chuyền bóng cho các trung vệ, hàng tiền vệ nhất là hai cánh sẽ kéo lùi xuống để đảm bảo quân số trong phạm vị nhất định đồng thời dụ đội bạn dâng lên áp sát, các học trò ông Troussier sẽ cố gắng bình tĩnh chuyền bóng để vượt qua tuyến pressing đầu tiên của đối thủ đồng thời tịnh tiến bóng lên phía trước.
Nếu đội bạn pressing thất bại thì sẽ mở ra nhiều khoảng trống cho tuyến tiền vệ và tiền đạo chúng ta tấn công, nếu đội bạn pressing quyết liệt thì chúng ta có một giải pháp khác là chuyền xuyên tuyến lên cho các tiền đạo có tốc độ lẻn ra sau hàng phòng ngự đối phương băng xuống (vì đối thủ dã dâng cao pressing nên sẽ lộ nhiều khoảng trống sau lưng) điều này chúng ta thường xuyên thấy trong các trận đấu của ông Troussier, đặc biệt là 3 trận ở Asian Cup.
Nếu đúng như những gì đã nêu ở trên thì lối chơi của chúng ta đúng về lý thuyết sẽ gây ra sự khó chịu cho đối thủ vì nếu họ pressing thất bại sẽ dễ tạo ra khoảng trống cho đối thủ tấn công, còn nếu không pressing thì lại khó cướp được bóng.
- Khi phòng ngự, hai cầu thủ wing-back sẽ lùi về tạo thành hàng tiền vệ 5 người, Đình Bắc sẽ lui về như 1 tiền vệ thứ 4 tạo thành khối phòng ngự 5-4-1, các cầu thủ tích cực tranh chấp bóng, sẵn sàng pressing bên phần sân đối thủ nhằm không cho đối thủ triển khai bóng.
Và khi thực chiến thì thế nào?
Cũng như đã nói ở trên sơ đồ 3-5-2 cần nhất vẫn là những wing-back công thủ toàn diện và tiền đạo mục tiêu, đó là điều mà trong đội hình ông Troussier không có.
Ở cánh trái Minh Trọng được đóng đinh cho vị trí này nhưng trong suốt 5 trận đấu của ông Troussier Minh Trọng thể hiện sự bình tĩnh và tự tin trong những pha xử lý hay chuyền bóng ở phần sân nhà.
Nhưng ở vai trò một wing back anh chưa có một pha leo biên hay một quả tạt nào ấn tượng, khả năng tranh chấp của Trọng cũng yếu, trong trận đấu với Indo Trọng thường thua trong các tình huống 50-50 trước đối thủ và thể lực cầu thủ này cũng không đảm bảo thi đấu đủ 90 phút, đơn cử trong trận đấu với Iraq là pha phạm lỗi dẫn đến quả Pen của đối thủ chúng ta có thể thấy Trọng đã thực sự hết sức.
Còn ở cánh đối diện ông Troussier ban đầu thử nghiệm Triệu Việt Hưng, rồi Trương Tiến Anh và giải này là Xuân Mạnh: Tiến Anh có thể lực và đeo bám tốt nhưng chuyền bóng hay phối hợp chưa tốt và tấn công cũng không ấn tượng, Xuân Mạnh công thủ đều cân bằng, chịu khó leo biên, tranh chấp ổn nhưng cánh của Mạnh khi dâng cao thường không đủ quân số bằng cánh trái nên khi nhận được bóng thường là chuyền lẩn quẩn và không có tính sát thương cao.
Đội tuyển Việt Nam tấn công không được
Đội bóng ông Troussier dẫn dắt chơi thường chơi theo hướng tấn công bắt nguồn từ sự nhịp nhàng ở sân nhà và các pha phối hợp ở tuyến trên nhưng thực tế ở 5 trận đấu chính thức đầu tiên của đội tuyển Việt Nam các pha phối hợp ở 1/3 sân đối phương diễn ra rất ít, thường thì nó là các cú phất bóng ra phía sau hàng phòng ngự đối phương cho các tiền đạo băng xuống.
Đây là bài tấn công điển hình của đội tuyển Việt Nam dưới thời ông Troussier, nhưng điều này lại đặt ra vấn đề chúng ta cần một tiền đạo mục tiêu đẳng cấp để có thể tận dụng các khoảng trống sau lưng đối phương.
Ở tình huống này Tuấn Hải không băng xuống mà lại giật về để phối hợp nhưng Tuấn Hải trước giờ chưa bao giờ là một tiền đạo mục tiêu, anh chơi rộng, chịu khó chạy khắp sân để phối hợp.
Văn Tùng còn quá non, anh ít khi di chuyển vào chỗ trống giữa các trung vệ đối phương mà lại thi sức với Jorid Amat, kết quả là trong các pha tranh chấp với hậu vệ này anh đa phần thua cuộc dù hoạt động năng nổ, cuối cùng kiệt sức rời sân ở phút 77.
Ở các pha bóng này mới thấy Tiến Linh là tiền đạo cắm số một của đội tuyển Việt Nam, anh luôn biết chiếm lĩnh các khoảng trống và chạy chỗ hợp lý.
Đơn cử là bàn thắng mở tỷ số vào lưới Indo ở AFF Cup 2022, anh chạy sau nhưng vượt lên trước che Armat khiến cho cầu thủ này không nhìn được bóng để cản phá. Hay tình huống ra khỏi vòng cấm để phối hợp nhằm thoát khỏi sự kèm cặp của Krisada rồi lặng lẽ băng vào đánh đầu mở tỉ số vào lưới Thái Lan ở AFF 2022, tiếc là trước giải này Tiến Linh chấn thương.
Sau 3 trận đấu, các học trò HLV Troussier có 4 bàn thắng, nhưng có đến 3 bàn từ các tình huống cố định, cả giải Việt Nam có 20 pha dứt điểm nhưng có đến 45% đến từ bóng chết (một tỷ lệ tương đối cao).
Mặt khác có tới 40% các pha dứt điểm của chúng ta ở ngoài vòng cấm địa đối phương, ngoại trừ tình huống ghi bàn của Quang Hải, thật khó để tìm ra một tình huống dàn xếp tấn công có nét của đội tuyển chúng ta ở giải lần này và kể cả trong trận đấu với Iraq ở Vòng loại 2 WC 2026.
Ngoài ra trong 7 cú dứt điểm của chúng ta trong vòng cấm địa của đối phương, số lượng cầu thủ trung bình là 2,6. Tức là quá ít để có thể gây áp lực lên hàng phòng ngự đối phương.
Ở trên là hình ảnh quen thuộc của đội tuyển Việt Nam khi đưa bóng và cấm địa đối phương, tình huống này còn gây được nguy hiểm còn lại là các đường chuyền không đến mục tiêu hay là các đường chuyền về.
Như vậy ta có thể nói rằng đội tuyển dưới thời ông Troussier không có một phương án đặc trưng đưa bóng đến vòng cấm địa ( hay gọi là ít bài), và việc tập trung nhân sự lớn ở khâu triển khai bóng ở sân nhà nhất là ở hai cánh khiến cho khả năng xâm nhập vòng cấm của các nhân tố tấn công không được duy trì, các chỉ số trên chúng tỏ dù chúng ta có chỉ số kiểm soát bóng tốt nhưng sức sát thương trong các pha lên bóng là quá ít.
Nó diễn ra liên tục trong cả 5 trận đấu dưới thời ông Troussier nhưng vẫn chưa được cải thiện.
Đến phòng ngự cũng không xong
Đầu tiên ở trận gặp Phillipines ở Vòng loại World Cup 2026 chúng ta thắng nhưng cả trận chịu 6 cú sút, 2 cú trúng khung thành, đội bạn tạo ra 2 cơ hội lớn ( cơ hội ghi bàn rõ rệt ), ở trận đấu đó khi xem ta có cảm giác đội bạn lúc nào cũng có thể gỡ hòa, và chỉ thở phào nhẽ nhõm khi Đình Bắc ghi bàn ấn định chiến thắng 2-0
Đến trận gặp Iraq trên sân nhà chúng ta chịu đến 13 cú sút, 5 cú sút trúng đích còn chúng ta là một con số 0 tròn trĩnh, chịu đến 5 thẻ vàng trong khi đội bạn là 1, điều này chứng tỏ hàng phòng ngự chúng ta chịu áp lực lớn như thế nào và đội bạn ghi bàn ở phút 90+7 là 1 kết cục hợp lý cho sự áp đảo của đội bạn.
Trong 3 trận ở Asian Cup 2024, Việt Nam chịu đến 53 cú sút về phía khung thành với 16 cú sút trúng đích ( tỉ lệ khoảng 30%) và nhận 8 bàn thua, nhưng nhìn vào các chỉ số thống kê thì nếu không có sự xuất sắc của Phillip Nguyễn chúng ta có thể thua đậm hơn chứng tỏ cách thức phòng ngự của chúng ta quá yếu, đặc biệt là 2 tiền vệ trung tâm là Thái Sơn và Tuấn Anh.
Tình huống gỡ hòa 2-2 của Nhật Bản chúng ta hoàn toàn để trống trung lộ, buộc Thanh Bình phải dâng lên áp sát Endo tạo khoảng trống cho Minamino là một điển hình cho khả năng phòng ngự của đội tuyển Việt Nam ở giải đấu này.
Chi tiết hơn trong 8 bàn thua của chúng ta 2 bàn đến từ các quả phạt góc, 3 bàn là các tình huống tấn công trung lộ, 2 quả Pen, 1 quả từ bên cánh... điều này chứng tỏ chúng ta có thể để lọt lưới ở mọi tình huống và mọi hướng.
Nếu như nói các đội Nhật và Iraq ở trình độ cao hơn thì họ áp đảo là bình thường thì khi đối đầu với Indonesia một đối thủ quen thuộc và có trình độ ngang với chúng ta, chúng ta cũng đã để họ tung đến 16 cú sút và 5 lần Philip Nguyễn phải cứu thua, đó không phải là một thông số tốt đối với một đội tuyển định hướng dự World Cup.
Có thể nói nếu hàng công không tạo được áp lực trước đối thủ thì hàng phòng ngự phải gánh chịu sức ép, nếu hàng phòng ngự cũng không vững vàng thì thất bại là điều tất yếu, chúng ta có thể tiếc nuối chỉ thua Irag cả 2 trận chỉ ở phút cuối nhưng nếu nhìn toàn cục thì chúng ta thua là hiển nhiên.
Nếu lấy Asian Cup 2019 để đối chiếu thì chúng ta tăng về số đường chuyền, tỷ lệ kiểm soát bóng, số bàn thắng không đổi (4 bàn), tinh thần thi đấu không bỏ cuộc vẫn được duy trì nhưng còn lại tất cả các chỉ số khác đều thụt lùi, kể cả chỉ số Fair Play ( 2 thẻ đỏ) và đặc biệt là điểm số ( 0 điểm ).
Ông Troussier luôn nói chúng ta đang tiến bộ từng ngày nhưng các thống kê lại chỉ ra điều ngược lại.
Chúng ta nói rằng tham dự với một đội hình trẻ, thiếu kinh nghiệm (24,9 tuổi) nhưng ở kỳ Asian Cup 2019 chúng ta còn trẻ hơn ( 24,6), các đối thủ quá mạnh hay thiếu may mắn nhưng với một đội bóng được xây dựng trong một năm với rất nhiều trận đấu từ giải trẻ, đến giao hữu với các đội bóng hàng đầu châu Á mà chỉ số công và thủ đều yếu thì không thể lấy những điều đó ra bao biện được.
Phương Đường Kính
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.