Tòa án Tối cao Mỹ ngày 1/7 ra phán quyết cựu tổng thống Donald Trump được miễn tố với các hành động công vụ trong thời gian nắm quyền, nhưng những việc ông làm với tư cách cá nhân không được hưởng quyền miễn trừ như vậy.
Phán quyết được Tòa án Tối cao đưa ra sau khi tòa phúc thẩm liên bang Washington cho rằng cựu tổng thống không được hưởng quyền miễn trừ trong vụ truy tố âm mưu lật kèo bầu cử, dẫn đến bạo loạn Đồi Capitol tháng 1/2021.
Vụ án "Trump lật kèo bầu cử" được công tố viên đặc biệt Jack Smith xúc tiến và truy tố cựu tổng thống tại tòa án liên bang Washington hồi tháng 8/2023 với 4 tội danh, trong đó có tìm cách lật ngược kết quả bầu cử năm 2020 dẫn đến vụ bạo loạn tại quốc hội.
Các luật sư của ông Trump khi đó lập luận cựu tổng thống được hưởng đặc quyền hành pháp "miễn trừ tuyệt đối" và không thể bị truy tố với những hành động thực hiện khi còn ở Nhà Trắng. Tuy nhiên, thẩm phán chủ tọa Tanya Chutkan bác bỏ, cho rằng một cựu tổng thống không được hưởng "tấm vé 'miễn trừ ngồi tù' suốt đời" sau thời gian đương nhiệm, khiến Trump nộp đơn khiếu nại lên Tòa án Tối cao.
Bà Chutkan ban đầu ấn định ngày xét xử là 4/3, nhưng sau đó thông báo hoãn để chờ Tòa án Tối cao định đoạt. Phán quyết ngày 1/7 đồng nghĩa thẩm phán này sẽ là người phải xác định xem có truy tố ông Trump hay không, nếu có thì với những hành động nào.
"Điều thẩm phán Chutkan cần thực hiện ngay là làm rõ có thể đưa vấn đề gì ra xét xử", cựu thẩm phán liên bang Jeremy Fogel, giám đốc Viện Tư pháp Berkeley, bang California, nói. Quá trình này có thể dấy lên các tranh luận kéo dài về những hành động được coi là công vụ của ông Trump, kéo theo đó là kháng cáo.
Thẩm phán Chutkan trước đó nói sẽ cho đội ngũ pháp lý của ông Trump 90 ngày để chuẩn bị nếu quyền định đoạt được chuyển lại về bà. Điều này đồng nghĩa ngày xét xử sớm nhất cũng rơi vào tháng 10 và bồi thẩm đoàn khó hoàn tất luận tội ông Trump trước ngày bầu cử 5/11.
"Đây là một trong những trách nhiệm thách thức nhất mà một thẩm phán liên bang phải thực hiện", cựu thẩm phán liên bang Paul Grimm, đứng đầu Viện Tư pháp Bolch, Trường Luật Đại học Duke, bang Bắc Carolina, nhận định. "Nó sẽ vạch ra lộ trình truy tố trong tương lai".
Dù vậy, giới quan sát cho rằng phán quyết của Tòa án Tối cao là "thắng lợi gần như hoàn toàn" với ông Trump trong phiên tòa này. "Dù Trump không nhận được tất cả những gì mong muốn, phán quyết vẫn dư sức giúp cựu tổng thống đối phó với vụ truy tố ở Washington", tờ Economist bình luận.
Trong khi đó, Tổng thống Joe Biden chỉ trích phán quyết của Tòa án Tối cao, cho rằng điều này sẽ tạo tiền lệ nguy hiểm về quyền lực tổng thống. "Phán quyết ngày hôm nay gần như đồng nghĩa không có giới hạn nào đối với những điều tổng thống có thể làm. Đây là nguyên tắc rất mới và là tiền lệ nguy hiểm", ông chủ Nhà Trắng nói.
Ngoài vụ kiện ở Washington, ông Trump cũng đang đối mặt với một vụ truy tố cấp liên bang khác liên quan đến hành động giữ trái phép tài liệu mật sau khi rời Nhà Trắng ở Florida.
Năm 2022, các điều tra viên thu giữ khoảng 13.000 tài liệu từ khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago của Trump ở Palm Beach, Florida, trong đó có khoảng 100 tài liệu mật và một số tài liệu tối mật. Vụ truy tố ở bang Florida cũng do công tố viên Smith điều tra, đưa ra 40 cáo buộc nhằm vào ông Trump hồi tháng 7/2023 trong phiên tòa do thẩm phán liên bang Aileen Cannon phụ trách.
Đạo luật Hồ sơ Tổng thống Mỹ yêu cầu các tài liệu của tổng thống và phó tổng thống phải được chuyển giao cho Cục Lưu trữ Quốc gia khi họ kết thúc nhiệm kỳ.
Đội ngũ pháp lý của ông Trump hồi tháng 2 kiến nghị bác vụ kiện, lập luận hành vi của thân chủ nằm trong quyền miễn trừ của tổng thống và ông Trump đã giải mật, phân loại chúng là hồ sơ cá nhân khi còn đương nhiệm. Giới chuyên gia hoài nghi lập luận này, do vụ kiện chủ yếu tập trung vào hành vi lưu trữ tài liệu mật của ông Trump sau nhiệm kỳ.
Tuy nhiên, phán quyết ngày 1/7 của Tòa án Tối cao Mỹ khơi ra một vấn đề mới, khi thẩm phán tòa tối cao Clarence Thomas đặt câu hỏi về tính hợp pháp của việc bổ nhiệm công tố viên Smith phụ trách cuộc điều tra.
Theo thẩm phán Thomas, Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Merrick Garland có thể đã vi hiến khi bổ nhiệm Smith phụ trách hai vụ truy tố liên bang nhằm vào ông Trump hồi tháng 11/2022, do việc bổ nhiệm cần được Thượng viện phê chuẩn. Đây cũng chính là vấn đề mà các luật sư của ông Trump từng đề cập nhằm bác bỏ vụ truy tố ở Florida.
Thẩm phán Cannon, chủ tọa phiên tòa, nói từng có tiền lệ bổ nhiệm công tố viên đặc biệt như vậy và việc đảo ngược quyết định sẽ vấp rào cản pháp lý lớn. Tuy nhiên, phán quyết của Tòa án Tối cao đã buộc thẩm phán Cannon phải mời các chuyên gia pháp lý tham gia thảo luận chuyên sâu về vụ án của Trump.
Cannon ban đầu ấn định bắt đầu xét xử ngày 20/5, nhưng sau đó hoãn và chưa công bố thời điểm mới bắt đầu phiên tòa. Nếu phiên tòa kéo dài sau bầu cử tổng thống Mỹ và ông Trump đắc cử, ông có thể chỉ đạo Bộ Tư pháp đình chỉ các vụ truy tố liên bang hoặc quyết định tự ân xá cho mình.
Trong khi đó, các quan chức Bộ Tư pháp Mỹ nói họ sẽ tiếp tục theo đuổi vụ kiện ngay cả khi Trump đắc cử ngày 5/11. Bộ Tư pháp Mỹ cho rằng quy định không truy tố tổng thống sẽ không có hiệu lực trước ngày nhậm chức vào tháng 1/2025, thời điểm Trump mới chỉ là tổng thống đắc cử nếu giành chiến thắng.
"Bộ Tư pháp không chịu sự điều chỉnh từ lịch bầu cử. Việc truy tố ông Trump dựa trên luật pháp, sự thật và quy định của bộ", Anthony Coley, cựu phát ngôn viên Bộ Tư pháp Mỹ, nói. "Trừ khi các quy định thay đổi, hoặc có lệnh khác, tôi tin rằng cơ quan này sẽ tiếp tục nỗ lực hết sức. Và họ nên làm vậy".
Bên cạnh hai vụ án cấp liên bang, ông Trump còn đang bị xét xử ở hai tòa án cấp bang, gồm vụ làm giả hồ sơ kinh doanh để chi tiền ém thông tin khi tranh cử năm 2016 ở New York và cáo buộc can thiệp bầu cử ở bang Georgia.
Vụ án ở bang Georgia có thể phần nào bị ảnh hưởng bởi phán quyết của Tòa án Tối cao, bởi phía ông Trump từng nêu vấn đề quyền miễn tố của cựu tổng thống trong vụ kiện.
Trong vụ kiện được khởi xướng từ tháng 8/2023, công tố viên hạt Fulton Fani Willis truy tố 19 người, trong đó ông Trump đối mặt 10 tội danh. Thẩm phán phụ trách xét xử Scott McAfee trước đó nói ông chờ phán quyết từ Tòa án Tối cao về quyền miễn tố của cựu tổng thống và chưa ấn định ngày xét xử.
Barbara McQuade, nhà phân tích pháp lý của NBC News, đánh giá vụ truy tố ở Georgia "giờ cũng cần xem xét kỹ như các trường hợp cấp liên bang". "Ông Trump sẽ tìm cách bác bỏ vụ kiện và để tiến hành xét xử, thẩm phán phải xác định được đâu là hành vi công vụ và cá nhân của cựu tổng thống", bà nhận định.
Trong khi đó, thông tin Willis có quan hệ tình ái với một công tố viên tại văn phòng của bà đang khiến vụ truy tố bị cản trở đáng kể. Phía ông Trump cùng các bị cáo đã kiến nghị thẩm phán McAfee loại bà Willis khỏi vụ kiện vì "xung đột lợi ích". Thẩm phán dự kiến ra phán quyết về vấn đề này vào đầu năm 2025.
"Tùy thuộc các diễn biến, ông Trump có thể bị xét xử trong năm 2025 hoặc 2026. Cựu tổng thống cũng có thể không phải hầu tòa", theo Norman Eisen, cựu công tố viên đặc biệt của Ủy ban Tư pháp Hạ viện Mỹ.
Trường hợp ít bị ảnh hưởng nhất bởi phán quyết của Tòa án Tối cao là vụ truy tố ông Trump tại tòa án New York, nơi bồi thẩm đoàn cuối tháng 5 kết luận ông Trump "có tội" với 34 tội danh làm giả hồ sơ để chi tiền ém thông tin bất lợi trước thềm bầu cử năm 2016.
Ông Trump bị kết luận đã chi 130.000 USD cho sao khiêu dâm Stormy Daniels thông qua luật sư thân tín Michael Cohen năm 2016 để ém thông tin hai người từng quan hệ tình ái. Khoản chi được thực hiện khi ông Trump đang là ứng viên tổng thống. Ông Trump bắt đầu chuyển tiền bồi hoàn cho Cohen từ đầu năm 2017 và kê khai là chi phí pháp lý trong hồ sơ kinh doanh của Tập đoàn Trump, điều bị cấm theo luật của bang New York.
Thẩm phán chủ tọa Juan Merchan dự kiến tuyên án ngày 11/7. Tuy nhiên, vài giờ sau khi Tòa án Tối cao ra phán quyết, luật sư của ông Trump đã kiến nghị thẩm phán Merchan hoãn tuyên án và đánh giá phán quyết có ảnh hưởng đến vụ án hay không. Họ cho rằng một số bằng chứng công tố viên đưa ra thuộc diện được miễn trừ và cần loại khỏi vụ án.
"Những hành động công vụ này lẽ ra không bao giờ được trình lên bồi thẩm đoàn", hai luật sư Todd Blanche và Emil Bove viết. Văn phòng công tố viên quận Manhattan Alvin Bragg ngày 2/7 nói lập luận phía ông Trump là "không có cơ sở", nhưng đồng ý cho cựu tổng thống cơ hội nêu quan điểm.
Thẩm phán Merchan sau đó chấp thuận lùi phiên tuyên án tới ngày 18/9. Phía ông Trump có hạn chót nộp lập luận vào ngày 10/7, phía công tố viên sau đó phản hồi nhưng không muộn hơn ngày 24/7.
Giới chuyên gia pháp lý nói rằng phiên tòa ở New York là trận chiến bất lợi với Trump. "Cáo buộc ở New York gần như rõ ràng chỉ liên quan hành vi cá nhân của ông Trump", Mark Zauderer, luật sư phúc thẩm tại New York, nói với BBC. "Ông Trump có thể kiến nghị dựa trên phán quyết về quyền miễn trừ, nhưng sẽ rất khó thành công ở New York".
"Các luật sư của ông ấy rất khó thuyết phục tòa án New York rằng những gì ông làm trước cuộc bầu cử năm 2016 là hành động 'công vụ' của tổng thống", học giả về hiến pháp Philip Bobbitt nêu quan điểm.
Như Tâm (Theo Reuters, Washington Post)