Tối 26/8, PGS Phan Ngọc qua đời tại Hà Nội, thọ 95 tuổi. Ông quê ở Nghệ An, là con trai của Thượng thư Phan Võ có tiếng thanh liêm, chính trực dưới triều Nguyễn. Nhưng nghề truyền dạy chữ Nho và nghề làm thuốc mới là truyền thống của gia đình họ Phan.
Với tư chất thông minh, Phan Ngọc được gửi vào trường Quốc học Huế. Ông đỗ tú tài và thi tiếp vào trường Y (thuộc Pháp). Sau Cách mạng tháng Tám 1945, Phan Ngọc bỏ học, tham gia hoạt động cứu quốc. Năm 1947, khi 22 tuổi, ông trở thành người thầy đầu tiên của trường cấp ba tư thục huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An, trường do chú ông làm hiệu trưởng. Năm 1950, ông tham gia Vệ quốc đoàn.
Vừa làm chiến sĩ vệ quốc đoàn, ông vừa trau dồi tri thức, ngoại ngữ, văn hóa. Ông chịu ảnh hưởng sâu rộng của các học giả đi trước như Huỳnh Thúc Kháng, Cao Xuân Huy, Đào Duy Anh..., tích lũy được vốn sống, vốn kiến thức vừa rộng vừa sâu. Vì biết cả tiếng Pháp, Anh, Hán..., ông làm phiên dịch cho Ban Liên hợp đình chiến (trong phái đoàn Liên hợp hai bên).
Nhận ra tài năng của Phan Ngọc, năm 1955, giáo sư Trần Đức Thảo đã mời ông về xây dựng khoa Ngữ văn trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Năm 30 tuổi, Phan Ngọc đã đứng lớp cùng các nhà khoa học lớn như Đào Duy Anh, Trần Đức Thảo, Nguyễn Đình Chú... Một năm sau, ông được điều sang làm "hạt nhân" để lập khoa Ngữ văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội, là chủ nhiệm đầu tiên của bộ môn Ngôn ngữ học, thuộc khoa Ngữ văn.
Sau năm 1958, Phan Ngọc cùng một vài đồng nghiệp dừng việc dạy học để làm công tác thông tin tư liệu cho thư viện. Biết tới 12 ngoại ngữ, trong đó nói và viết thông thạo 6 thứ tiếng, ông miệt mài nghiên cứu, dịch nhiều tác phẩm nổi tiếng thế giới.
PGS Phạm Văn Tình, Tổng thư ký Hội Ngôn ngữ học Việt Nam, bày tỏ học giả Phan Ngọc qua đời ở tuổi 95, vượt ngưỡng khá xa với mốc "thất thập cổ lai hy", nhưng "vẫn làm mọi người ngỡ ngàng, luyến tiếc". "Ông là một trong những nhà nghiên cứu có đóng góp to lớn trong lĩnh vực ngôn ngữ học và văn hóa học nước nhà, làm rạng danh tiếng Việt và văn hóa Việt", ông Tình nói.
Theo ông Tình, với người làm dịch thuật hoặc nghiên cứu, dịch một vài tác phẩm kinh điển thế giới đã "đáng khâm phục lắm rồi". Riêng Phan Ngọc đã dịch hàng loạt tác phẩm đồ sộ, trong đó có Chiến tranh và Hòa bình (4 tập, 1961-1962, bút danh Nhữ Thành, dịch chung với Trường Xuyên, Cao Xuân Hạo, Hoàng Thiếu Sơn); Tuyển tập kịch Shakespeare (1963), Sử ký Tư Mã Thiên (1964).
"Dịch một trong các công trình ấy rất lao tâm khổ tứ, không chỉ đòi hỏi công sức mà còn tài năng, tư chất khoa học uyên bác, thâm hậu", ông Tình nói.
Đến giờ, ông Tình vẫn nhớ kỷ niệm khó quên với Phan Ngọc. Năm 1995, ông qua nhà PGS Phan Ngọc để nhờ dịch một đoạn văn bản bằng chữ Latin trong bài Nguồn gốc tên gọi MAFIA từ cuốn từ điển Larousse của Pháp. "Ông Ngọc không mặn mà lắm, có thể do đang quá bận. Nhưng nể công tôi lặn lội đến tận nơi, ông miễn cưỡng giúp. Vậy mà sau đó, ông tỉ mỉ đọc, nhẩm dịch, tra cứu lại mấy lần, khiến tôi thực sự khâm phục cách làm việc nghiêm cẩn ấy", ông Tình kể.
Riêng về nghiên cứu Truyện Kiều, Phan Ngọc đã có nhiều phát hiện mới. Ông không tách tác phẩm thành hai phần nội dung và hình thức mà xem xét qua hai trục lịch sử và thời đại. Phan Ngọc luôn đặt nguyên tác Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân với bản phóng tác Truyện Kiều trong thế đối lập, để chỉ ra sự thay đổi, sáng tạo, Việt hóa về căn bản của Nguyễn Du.
Phan Ngọc từng nhận định, Nguyễn Du có dùng một số nhân vật, chữ mà Thanh Tâm Tài Nhân đã dùng, nhưng đã nâng cao chuyện tạo vật đố tài lên mức thang nhân loại. Nàng Kiều không phải là người đàn bà mang cái đau khổ của riêng một người mà mang đau khổ của toàn bộ phụ nữ.
"Bỏ qua những biến động thời cuộc, những khó khăn vật chất, Phan Ngọc cứ âm thầm lao động hết mình, cho ra những sản phẩm mãi mãi lưu truyền cho hậu thế. Dù còn có ý kiến đôi lúc đánh giá trái chiều, Phan Ngọc là học giả lớn của nền khoa học xã hội nhân văn Việt Nam thời hiện đại. Từ những công trình tạc vào lịch sử, Phan Ngọc lững lững đi vào ngôi đền vinh danh những nhà nghiên cứu ngôn ngữ và văn hóa Việt Nam xuất sắc", PGS Phạm Văn Tình nhận định.
PGS Phạm Quang Long, nguyên Hiệu trưởng Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, vẫn nhớ những kỷ niệm khi làm việc cùng PGS Phan Ngọc ở trường. Thời sinh viên, ông Long hay lên Văn phòng khoa, gặp người đàn ông trung niên, ăn mặc tuyềnh toàng, hút thuốc nhiều, đeo kính cận, nói gì cũng ngắn gọn, thuyết phục, tự tin và khá cực đoan như bắt người khác tin vào những lập luận khó cãi của mình. Sau ông mới biết đó là thầy Phan Ngọc, khi ấy chưa đến 50 tuổi.
Sau này ở lại trường làm việc, ông gần gũi với thầy Phan Ngọc hơn. "Đọc các tư liệu dịch tôi luôn gặp bản dịch của Phan Ngọc, Cao Xuân Hạo... từ các thứ tiếng Pháp, Nga, Anh, Hán, Trung văn. Đủ lĩnh vực chuyên môn mà gần như những văn bản khó và mới là do hai thầy dịch. Thầy Hạo dịch chuyên về ngôn ngữ còn thầy Ngọc dịch đa dạng từ lý luận, ngôn ngữ, triết học, tư tưởng....", ông Long chia sẻ.
Một lần, thầy Phan Ngọc vào phòng của ông Long, thấy mấy người đang học tiếng Nga, thầy hỏi "Đã biết 6 cách chưa?", rồi giục "lấy tiểu thuyết ra mà đọc". Thầy bảo "biết 6 cách là đã nắm được ngữ pháp cơ bản, đã có vốn từ vựng rồi. Giờ đọc tiểu thuyết bởi văn ở đây không khó. Gặp từ không biết đừng tra từ điển vội mà đọc vài trang sẽ gặp một số từ có tần suất xuất hiện cao. Lúc ấy mới tra và hiểu nghĩa văn cảnh, bởi học từ dùng nhiều chứ từ cả quyển gặp một lần thì học làm gì? Thế là học từ nhanh, nắm nghĩa nhanh và chính xác".
Thầy Phan Ngọc tiếp tục kể chuyện học ngoại ngữ với học trò: "Hồi 7-8 tuổi mình chui vào thư phòng cha, vớ được quyển Tam quốc, đọc thấy hay quá thế là cắm cúi đọc. Rồi Thủy hử, Tây du ký, Liêu trai... Cha mình cứ tưởng mình đọc Tứ thư, Ngũ kinh nhưng mình toàn đọc tiểu thuyết".
Giáo sư ngôn ngữ học Trần Trí Dõi, nguyên Trưởng khoa Ngôn ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội, chia sẻ "qua các tác phẩm để lại cho đời, chúng ta chỉ có thể nói rằng Phan Ngọc thực sự là một dịch giả siêu việt và tài hoa". Khi ông Dõi làm luận án phó tiến sĩ, có liên quan đến phần ngữ âm lịch sử, nên giáo sư Nguyễn Tài Cần yêu cầu ông "tầm sư" với nhiều thầy cô, trong đó có thầy Phan Ngọc. Vì vậy, ông Dõi thường xuyên đến nhà, nghe thầy Phan Ngọc nói về lịch sử ngữ âm tiếng Việt trong công trình của H. Maspero mà thầy dịch từ tiếng Pháp qua bản dịch chép tay ở phòng tư liệu của khoa Ngữ văn.
Năm 2011, ông Dõi đến thăm thầy Phan Ngọc, tò mò hỏi thầy vì sao dùng tên Nhữ Thành trong một vài văn bản dịch thuật. Khi ấy, thầy Phan Ngọc mới nói tên ấy "là do ông cụ nhà tôi đặt cho, ngầm để nhắc nhở, bởi đó là cách rút gọn câu nói có điển tích của người xưa dùng để khuyên bảo". Nhưng vì đã 86 tuổi, nên PGS Phan Ngọc không nhớ được đầy đủ câu điển tích, chỉ nhớ được vế sau là "Bần tiện ưu thích, dung ngọc nhữ vu thành dã".
Về nhà, GS Trần Trí Dõi tìm hiểu thì được biết cả câu điển tích ấy ở trong bài Tây Minh của đại nho Trương Tái đời Tống, là "Phú quý phúc trạch, thiên hậu ngô chi sinh dã/ Bần tiện ưu thích, dung ngọc nhữ vu thành dã", ngụ ý "Giàu sang phúc ấm là trời hậu với cuộc sống của ta/ Nghèo hèn lo buồn là để rèn giũa ta nên ngọc".
"Tên hiệu Nhữ Thành mà cụ Phan Võ chọn cho thầy Phan Ngọc đã nói lên tất cả những được mất trong cuộc đời của thầy. Trong cuộc đời thực, thầy Phan Ngọc đã vượt qua được tất cả sự bần tiện ưu thích để nhữ vu thành ngọc. Bởi vì không phải ai cũng dễ gì bỏ ra gần một phần tư thế kỷ kiên trì với hoàn cảnh bần tiện ưu thích để sau năm 1980 trở thành học giả được nhiều người trong và ngoài nước gọi là nhà bách khoa thư. Một đức tính mà chỉ những người tự tại như thầy mới có", GS Trần Trí Dõi chia sẻ.
Học giả, nhà ngôn ngữ học, nhà nghiên cứu văn hóa Phan Ngọc mất tối 26/8 ở Hà Nội, thọ 95 tuổi. Lễ tang ông diễn ra sáng 1/9.
Phan Ngọc là dịch giả của nhiều tác phẩm đồ sộ như Chiến tranh và Hòa bình (4 tập, 1961-1962, bút danh Nhữ Thành, dịch chung với Trường Xuyên, Cao Xuân Hạo, Hoàng Thiếu Sơn); Tuyển tập kịch Shakespeare (1963), Sử ký Tư Mã Thiên (1964), David Coppefield (1976-1977), Mỹ học Hegel (1976), Hình thái học của nghệ thuật, Âm vị học và Hình thái học (tư liệu, 1978)...
Từ năm 1979 đến 1985, Phan Ngọc là chuyên viên nghiên cứu của Viện Đông Nam Á, tiếp tục biên soạn, xuất bản nhiều công trình khác như Thần thoại Hy Lạp (1980); Tìm hiểu phong cách Nguyễn Du trong Truyện Kiều (1985), Từ điển Truyện Kiều (1987, sửa chữa, bổ sung, chú giải trên cơ sở tác phẩm của Đào Duy Anh xuất bản năm 1974); Mẹo giải nghĩa từ Hán Việt (1991); Văn hóa Việt Nam và cách tiếp cận mới (1994); Từ điển Anh - Việt (1994); Cách giải thích văn học bằng ngôn ngữ học (1995).
Cụm công trình Văn hóa Việt Nam - Cách tiếp cận mới (1994) và Tìm hiểu phong cách Nguyễn Du trong Truyện Kiều (1985) của ông đã được nhận Giải thưởng Nhà nước về Khoa học và Công nghệ năm 2000.