Chương trình tiêm chủng được nước này triển khai từ ngày 2/7, trong bối cảnh cúm gia cầm H5N1 đang xuất hiện ở nhiều nước. Quốc gia Bắc Âu đã mua vaccine đủ tiêm cho 10.000 người, mỗi người tiêm hai mũi. Đây là một phần trong kế hoạch mua sắm chung của 15 nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) nhằm phân bổ 40 triệu liều vaccine cho người dân. Phần Lan là nước đầu tiên triển khai kế hoạch tiêm chủng này.
Theo Viện Y tế và Phúc lợi Phần Lan (THL), người đủ điều kiện tiêm vaccine là từ 18 tuổi trở lên, có nguy cơ cao mắc cúm gia cầm do tính chất công việc hoặc các yếu tố khác. Nhóm này bao gồm công nhân tại các trang trại lông thú, trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, kỹ thuật viên phòng thí nghiệm xử lý mẫu virus cúm và các bác sĩ thú y làm công tác kiểm soát động vật. Người làm việc trong khu bảo tồn, chăm sóc chim hoang dã, nhà máy chế biến phụ phẩm động vật cũng sẽ được tiêm vaccine. Nếu phát hiện các ca nhiễm ở người, các ca tiếp xúc gần và nghi nhiễm cũng được chỉ định tiêm chủng.
Phần Lan chưa phát hiện ca nhiễm virus cúm gia cầm ở người. Tuy nhiên, nước này mong muốn triển khai tiêm chủng để giảm thiểu rủi ro lây truyền do các trang trại lông thú gây ra.
"Tình hình tại Phần Lan khá đặc thù vì chúng tôi có các trang trại lông thú, nơi người lao động tiếp xúc với động vật hoang dã", Hanna Nohynek, Viện trưởng Y tế và Phúc lợi Phần Lan, nói.
Đợt bùng phát cúm gia cầm ở chồn và các trang trại lông thú ngoài trời tại Phần Lan vào năm ngoái khiến nước này phải tiêu hủy khoảng 485.000 con vật để ngăn chặn virus lan sang người.
Cúm gia cầm gồm nhiều chủng virus cúm A khác nhau, chủ yếu ảnh hưởng đến chim, có thể lây nhiễm cho các loài không phải gia cầm, gồm cả con người. Trong số các chủng, H5N1 lưu hành phổ biến giữa các loài chim hoang dã trên thế giới. Chim truyền virus qua nước bọt, chất nhầy và phân, để lại rủi ro cho người và động vật khác.
Hồi tháng 3, H5N1 lây lan nhanh chóng giữa các đàn bò sữa và lây cho người ở Mỹ, được Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) mô tả là "đợt bùng phát xuyên bang". Bộ Nông nghiệp Mỹ đã báo cáo ca nhiễm ở 101 đàn bò sữa trên 12 bang, một số ca nhiễm lẻ tẻ ghi nhận ở người. Nhiều nhà khoa học tỏ ra ngạc nhiên khi virus lây từ gia súc sang người.
Trước đó, nhiều quốc gia như Campuchia, Chile, Trung Quốc, Australia, Mỹ và Anh ghi nhận ca nhiễm cúm gia cầm nhỏ lẻ. Mới đây, Việt Nam cũng ghi nhận một bệnh nhân 21 tuổi mắc cúm H5N1 sau đó tử vong ở Khánh Hòa.
Thục Linh (Theo ERR, Reuters)