Người đàn ông trú tại xã Tân Lý Đông, huyện Châu Thành, bị sốt và tự mua thuốc điều trị hôm 10/3. Tình trạng bệnh ngày càng nghiêm trọng, anh được đưa vào Bệnh viện bệnh nhiệt đới TP.HCM ngày 16/3, bác sĩ chẩn đoán viêm phổi nặng nghi do virus.
Kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhân dương tính cúm A và có các đoạn gene tương đồng virus cúm A, type H9. Ngày1/4, Viện Pasteur TP HCM cũng đưa kết luận tương tự. Hiện người bệnh được điều trị tích cực.
Theo điều tra dịch tễ, bệnh nhân ở Tiền Giang sinh sống tại khu chợ buôn bán gia cầm, xung quanh khu vực gia đình người bệnh ở chưa ghi nhận động vật ốm, chết. Các trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân đã được lập danh sách và theo dõi sức khỏe, hiện chưa phát hiện triệu chứng viêm đường hô hấp, chưa ghi nhận ổ dịch tương tự quanh nơi ở của người bệnh.
Cúm A/H9 là bệnh truyền nhiễm do virus cúm gia cầm gây ra và lây cho người. Hiện chưa có bằng chứng cho thấy virus này lây từ người sang người.
Bộ Y tế cho biết đây là trường hợp mắc cúm A(H9) đầu tiên của Việt Nam từ trước đến nay. Từ năm 2015 đến 2023, khu vực Tây Thái Bình Dương ghi nhận 98 trường hợp mắc cúm A (H9N2), hai người tử vong.
Bệnh cúm gia cầm trên người chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cũng như chưa có vaccine phòng bệnh. Tỷ lệ tử vong khi mắc các chủng cúm gia cầm có thể lên đến 50% trong khi con số ở cúm thường là 1-4%.
Bộ Y tế khuyến cáo người dân không ăn gia cầm, các sản phẩm gia cầm ốm, chết và không rõ nguồn gốc; ăn chín, uống sôi; rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn.
Không giết mổ, vận chuyển, mua bán gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc; hạn chế tiếp xúc, giết mổ, ăn các loại động vật hoang dã, đặc biệt là chim. Khi phát hiện gia cầm ốm, chết tuyệt đối không được giết mổ và sử dụng mà phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y.
Khi có biểu hiện giống cúm như sốt, ho, đau ngực, khó thở phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.
Lê Nga