Bộ Quốc phòng Phần Lan hôm 5/4 duyệt đề xuất mua hệ thống phòng không tầm trung David's Sling của Israel với mức giá 345 triệu USD, chưa bao gồm các khoản thuế và chi phí đi kèm, cùng tùy chọn mua thêm khí tài với trị giá 236 triệu USD.
"Thương vụ sẽ bổ sung năng lực đánh chặn mục tiêu tầm cao cho quân đội Phần Lan. Chúng tôi cũng duy trì tham vọng phát triển năng lực phòng không về dài hạn của đất nước trong môi trường an ninh mới", Bộ trưởng Quốc phòng Phần Lan Antti Kaikkonen cho hay, dường như đề cập tới nguy cơ leo thang căng thẳng sau khi nước này gia nhập NATO.
Quyết định có thể khiến Phần Lan trở thành quốc gia đầu tiên ngoài Israel đặt mua hệ thống David's Sling. Chưa rõ số lượng tổ hợp được đặt hàng và thời gian chuyển giao. Hợp đồng cũng cần sự phê chuẩn từ Mỹ vì tập đoàn Mỹ Raytheon tham gia sản xuất, nhưng điều này có thể không dễ dàng. Mỹ từng gây áp lực để ngăn Israel chào bán hệ thống David's Sling cho Thụy Sĩ và nhường chỗ cho tổ hợp Patriot.
Giới chức Israel chưa bình luận về thông tin.
David's Sling là hệ thống lá chắn phòng không tối tân do hãng Rafael của Israel và Raytheon hợp tác sản xuất, có khả năng bắn hạ tên lửa từ khoảng cách 40-300 km, tạo nên một hệ thống phòng thủ tên lửa đa tầng tinh vi khi kết hợp với các tổ hợp đánh chặn tầm ngắn Iron Dome và tầm xa Arrow.
Khẩu đội David's Sling được trang bị 12 tên lửa Stunner, mỗi quả có giá khoảng một triệu USD, sử dụng cơ chế diệt mục tiêu bằng va chạm trực tiếp thay vì mang đầu đạn chứa thuốc nổ.
Điểm đặc biệt nhất của Stunner là hệ thống đầu dò đa kênh dùng trong pha tiếp cận mục tiêu. Phần đầu tên lửa có hình dạng giống mũi cá heo chứa cảm biến ảnh nhiệt, đầu dò quang - điện và đầu dò radar mảng pha quét điện tử chủ động (AESA). Thiết kế này khiến đối phương rất khó đánh lừa quả đạn Stunner, đồng thời tăng khả năng diệt những mục tiêu khó bám bắt như tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình tàng hình.
Quân đội Israel ngày 23/7/2018 lần đầu khai hỏa hệ thống David's Sling để đánh chặn hai tên lửa đạn đạo chiến thuật được quân đội Syria sử dụng trong đợt tấn công lực lượng nổi dậy, vì cho rằng các quả đạn Syria bay chệch vào không phận nước này.
Tuy nhiên, cả hai quả đạn Stunner đều bắn trượt mục tiêu, buộc kíp điều khiển phát lệnh tự hủy. Một tên lửa trong số đó không phát nổ, rơi xuống lãnh thổ Syria trong tình trạng khá nguyên vẹn và nhanh chóng được quân đội nước này thu hồi. Quả đạn sau đó chuyển cho quân đội Nga để nghiên cứu, dù Israel và Mỹ đã kêu gọi Nga trả lại, theo trang tin quân sự Sina của Trung Quốc.
Vũ Anh (Theo Drive)