"Giai đoạn nghỉ là cần thiết trước khi chúng tôi trở lại đối thoại ba bên và đánh giá quan điểm của các nước sau khi tình hình hiện nay được giải quyết. Không nên đưa ra bất kỳ kết luận nào vào lúc này. Tôi nghĩ đàm phán sẽ tạm nghỉ trong vài tuần", Ngoại trưởng Phần Lan Pekka Haavisto cho biết hôm nay.
Ngoại trưởng Haavisto nói không có lý do xem xét phương án Helsinki đơn độc tham gia NATO, do Phần Lan và Thụy Điển nhiều lần khẳng định sẽ cùng nhau gia nhập liên minh, thêm rằng ông đã đối thoại với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu.
"Họ đang chịu áp lực trong cuộc bầu cử sắp diễn ra vào tháng 5, tình hình Thổ Nhĩ Kỳ đã trở nên nóng bỏng", Ngoại trưởng Phần Lan cho hay.
Phát biểu được đưa ra sau khi những cuộc biểu tình gần đại sứ quán Thổ Nhĩ Kỳ ở thủ đô Stockholm của Thụy Điển hôm 21/1 làm gia tăng căng thẳng giữa hai quốc gia. Người biểu tình phản đối Ankara và chống lại nỗ lực gia nhập NATO của Thụy Điển, đồng thời đốt một cuốn kinh Koran.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cho rằng đây là hành động xúc phạm, đặc biệt đối với người Hồi giáo, tuyên bố Thụy Điển không nên mong đợi được Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ gia nhập NATO.
Phần Lan và Thụy Điển hồi tháng 5/2022 kết thúc hàng thập kỷ duy trì chính sách không liên kết về quân sự và nộp đơn xin gia nhập NATO. Để trở thành thành viên của khối, hai nước phải được quốc hội của toàn bộ 30 quốc gia thành viên NATO phê chuẩn đơn xin gia nhập.
Thổ Nhĩ Kỳ đang phản đối kết nạp Thụy Điển và Phần Lan vào NATO do hai nước Bắc Âu chưa đáp ứng các yêu cầu của họ, chủ yếu liên quan đến dân quân người Kurd mà Ankara cho là "khủng bố" và liên quan đến âm mưu đảo chính năm 2016.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho biết Phần Lan và Thụy Điển đã sẵn sàng tham gia liên minh, nhưng từ chối bình luận liệu Washington có nghĩ rằng những phát ngôn từ Tổng thống Erdogan đồng nghĩa với Ankara đã đóng cửa dứt khoát với họ hay không. "Phần Lan và Thụy Điển sẽ phải đạt được đồng thuận với Thổ Nhĩ Kỳ", ông nhấn mạnh.
Vũ Anh (Theo Reuters)