"Việt Nam yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, chấm dứt ngay và không tái diễn những hoạt động tương tự, tôn trọng luật pháp quốc tế và những nhận thức chung của lãnh đạo hai nước về vấn đề trên biển", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nói trong cuộc họp báo thường kỳ hôm nay.
Tuyên bố được bà Hằng đưa ra khi được đề nghị bình luận về thông tin quân đội Trung Quốc (PLA) tuần trước điều vận tải cơ hạng nặng Y-20 cất hạ cánh trái phép tại đường băng trên đá Chữ Thập, Subi và Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Global Times, tờ báo thuộc People's Daily, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc, đưa tin PLA đưa vận tải cơ Y-20 hạ cánh xuống đường băng đảo nhân tạo bồi đắp phi pháp trên ba thực thể trên vào ngày 16/9 để đưa binh lính đồn trú trái phép ở đây về đại lục.
Đây không phải là lần đầu tiên Y-20 xuất hiện trái phép ở Trường Sa. Ảnh vệ tinh do hãng Maxar Technologies công bố hồi tháng 1 cho thấy một chiếc Y-20 đậu trên đường băng tại đá Chữ Thập hôm 25/12/2020, nhưng không có hoạt động bốc dỡ hay tải hàng nào.
Bà Hằng khẳng định hành động của Trung Quốc đã xâm phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa, vi phạm luật pháp quốc tế, trái với Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc, gia tăng quân sự hóa, đi ngược lại Tuyên bố chung về ứng xử các bên ở Biển Đông (DOC), cũng như nỗ lực của các nước trong đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử các bên ở Biển Đông (COC).
"Yêu cầu Trung Quốc đóng góp thiết thực, tích cực và có trách nhiệm vào phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác toàn diện giữa hai nước, duy trì môi trường hòa bình, ổn định và hợp tác trên Biển Đông", bà Hằng nhấn mạnh.
Người phát ngôn cho biết Việt Nam luôn theo dõi sát mọi diễn biến trên Biển Đông, khẳng định Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế.
Chữ Thập, Subi và Vành Khăn nằm trong 7 đá thuộc quần đảo Trường Sa bị Trung Quốc chiếm giữ trái phép từ năm 1988, bồi đắp phi pháp thành đảo nhân tạo và xây dựng các công trình quân sự hóa. Trung Quốc xây dựng các đường băng lớn tại đây, cho phép chiến đấu cơ và vận tải cơ cỡ lớn cất hạ cánh.
Vận tải cơ Y-20 do tập đoàn Tây An hợp tác với hãng Antonov của Ukraine phát triển, cất cánh lần đầu tháng 1/2013. Quân đội Trung Quốc biên chế Y-20 vào tháng 7/2016 và đang sở hữu hơn 20 vận tải cơ này. Đây là mẫu vận tải cơ lớn nhất trong biên chế Trung Quốc hiện nay.
Vũ Anh