Cô Hồ Ái Linh (giáo viên Văn trường THCS - THPT Đào Duy Anh, TP HCM) lưu ý học sinh thi tốt nghiệp THPT khi làm bài Ngữ văn.
Theo đề thi minh họa mà Bộ Giáo dục và Đào tạo, thời gian làm bài là 120 phút với hai phần đọc hiểu và làm văn. Phần đọc hiểu nên làm trong 20 phút, nghị luận xã hội 20 phút, nghị luận văn học 80 phút.
Các em nên đọc kỹ đề, hạn chế ghi vào giấy nháp nhiều, mất thời gian khi viết lại vào bài làm sau đó. Giấy nháp chỉ nên ghi các luận điểm chính để triển khai bài làm.
Khi viết văn phải trình bày rõ ràng, luận điểm, luận cứ chặt chẽ và thuyết phục, đừng viết lan man. Với mỗi câu hỏi, thí sinh có thể sáng tạo và đưa quan điểm cá nhân để bài viết thêm sinh động.
Từ cấu trúc đề thi THPT quốc gia qua các năm, các em sẽ đặt mục tiêu "săn" điểm cho từng phần để đạt hiệu quả cao nhất. Ngữ văn là môn đặc thù, khi làm bài phải viết nhiều, nên thí sinh phải chú trọng kỹ năng đọc hiểu văn bản, cảm nhận được nội dung để có thể trình bày bài hoàn chỉnh.
Với xu hướng ra đề ngày càng đổi mới, mở rộng, nội dung thi không chỉ là những tác phẩm văn học trong sách giáo khoa mà bao gồm cả hệ thống ngữ liệu với nội dung phong phú, đa dạng, gần gũi với đời sống hàng ngày. Điều đó sẽ thôi thúc quá trình tự tìm tòi, học hỏi và thái độ sống của các em trước các vấn đề "nóng" trong xã hội.
Ở phần đọc hiểu văn bản, quan sát đề thi THPT quốc gia nhiều năm, tôi thấy Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ra những đề ngày càng sát với thực tế xã hội và hướng về giáo dục nhân cách, đạo đức học sinh.
4 câu hỏi tương ứng với những mức độ khó khác nhau nhằm đánh giá thí sinh khả năng nhận biết, thông hiểu, vận dụng thấp, vận dụng cao. Phạm vi ngữ liệu thường được đưa ra là những vấn đề gần gũi và phù hợp với nhận thức, trình độ của các em.
Phần làm văn có 2 câu: nghị luận xã hội và nghị luận văn học.
Câu 1 nghị luận xã hội được rút ra từ phần đọc hiểu với độ dài khoảng 200 chữ. Vấn đề được nêu trong câu hỏi đều là những vấn đề quen thuộc trong cuộc sống.
Câu 2 chiếm nửa số điểm của toàn bài, sẽ yêu cầu tạo lập văn bản nghị luận văn học, liên quan tới các tác phẩm văn học trong chương trình phổ thông (chủ yếu là lớp 12). Bên cạnh đó là một ý nhỏ nâng cao để phân loại học sinh có giá trị 0,5-1 điểm.
Một số tác phẩm trong chương trình 12 cần lưu ý bao gồm: Tuyên ngôn độc lập (Hồ Chí Minh), Tây Tiến (Quang Dũng), Việt Bắc (Tố Hữu), Đất Nước (Nguyễn Khoa Điềm), Sóng (Xuân Quỳnh), Ai đã đặt tên cho dòng sông? (Hoàng Phủ Ngọc Tường), Người lái đò sông Đà (Nguyễn Tuân), Vợ chồng A Phủ (Tô Hoài), Vợ Nhặt (Kim Lân), Rừng Xà Nu (Nguyễn Trung Thành), Chiếc thuyền ngoài xa (Nguyễn Minh Châu), Hồn Trương Ba, da hàng thịt (Lưu Quang Vũ).
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay được tổ chức thành hai đợt. Đợt một ngày 9-10/8 theo đúng kế hoạch. Đợt hai dành cho các thí sinh ở Đà Nẵng, một số nơi đang giãn cách xã hội ở Quảng Nam, Đăk Lăk và các thí sinh thuộc diện F1, F2. Thời gian thi do các địa phương đề xuất, khi đã kiểm soát được Covid-19.
Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT sẽ làm 3 bài bắt buộc gồm Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và một bài tự chọn là Khoa học tự nhiên hoặc Khoa học xã hội. Trừ Ngữ văn, các bài thi còn lại đều được ra dưới hình thức trắc nghiệm. Kết quả thi được dùng để xét công nhận tốt nghiệp THPT và là cơ sở để xét tuyển đại học.
Hồ Ái Linh