Theo Hội Hen – Dị ứng – Miễn dịch lâm sàng TP HCM, khi bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng như sụt sịt hoặc hắt hơi, không nên vội kết luận ngay về tình trạng của cơ thể. Thực tế, một số bệnh lý như cảm cúm, viêm xoang, viêm phổi.... với các triệu chứng trên có thể nhầm lẫn với viêm mũi dị ứng. Nếu không phân biệt rõ, bệnh nhân có thể sẽ phải tốn nhiều thời gian và tiền bạc để điều trị mà không khỏi bệnh.
Khác với viêm mũi dị ứng (một phản ứng không gây lây nhiễm của hệ thống miễn dịch trước các tác nhân gây dị ứng, đôi khi vô hại như phấn hoa, mạt bụi, lông thú cưng... và là bệnh không gây lây nhiễm), các bệnh lý viêm đường hô hấp khác như cảm cúm, viêm xoang, viêm phổi lại thường do các loại nấm, vi khuẩn, virus truyền nhiễm gây ra.
Mặc dù đều có thể có các triệu chứng gần giống nhau như ho, hắt hơi, sổ mũi, nhưng viêm mũi dị ứng thường không gây đau mặt như viêm xoang hoặc có các triệu chứng sốt và khó thở nhiều như viêm phổi. Ngoài ra, nếu so sánh với cảm cúm thông thường, bệnh có xu hướng tiến triển lên đến đỉnh điểm và từ từ biến mất, thì các triệu chứng của viêm mũi dị ứng thường chỉ biến mất khi cơ thể ngừng tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng.
Ngoài các chứng viêm đường hô hấp, các triệu chứng hen suyễn cũng thường hay bị nhầm lẫn với viêm mũi dị ứng. Tuy nhiên, với hen, mức độ ảnh hưởng thường nghiêm trọng hơn vì triệu chứng bệnh không chỉ dừng lại ở đường mũi mà còn tác động lên phổi, gây khó thở, giảm chức năng hô hấp.
Theo một nghiên cứu được đăng tải trên Journal of Managed Care & Specialty Pharmacy, viêm mũi dị ứng thường không tồn tại một mình mà cùng đồng mắc với nhiều chứng bệnh khác như hen suyễn. Có tới 40% người mắc viêm mũi dị ứng mắc hen suyễn, tỷ lệ này cao hơn đáng kể so với tỷ lệ 5-10% tỷ lệ mắc bệnh hen suyễn trong dân số nói chung. Ngược lại, tỷ lệ mắc viêm mũi dị ứng ở các bệnh nhân hen suyễn cũng chiếm tới 90% và cao hơn đáng kể so với tỷ lệ 20% lưu hành trong dân số chung.
Bên cạnh đó, viêm mũi dị ứng cũng là yếu tố góp phần gia tăng 25-30% số ca viêm xoang cấp tính và 60-80% bệnh nhân viêm xoang mãn tính. Các nghiên cứu đã chỉ ra, viêm mũi dị ứng có khả năng làm tắc nghẽn các xoang, từ đó thúc đẩy sự phát triển của chứng viêm xoang mũi.
Việc đồng mắc nhiều bệnh lý như trên không những gây khó khăn cho việc chẩn đoán và lựa chọn phương pháp điều trị tốt nhất, mà còn làm gia tăng gánh nặng tài chính lên người bệnh do chi phí điều trị có thể tăng lên gấp nhiều lần. Vì thế, việc xác định đúng bệnh và điều trị hiệu quả là vô cùng cần thiết đối với những bệnh nhân viêm mũi dị ứng đồng mắc với nhiều bệnh lý đường hô hấp khác.
Cách tốt nhất để phòng tránh viêm mũi dị ứng là hạn chế tối đa tiếp xúc với những tác nhân gây dị ứng. Nếu ra ngoài, hãy đeo kính râm hoặc khẩu trang để bảo vệ mắt và mũi không hít hay dính phải tác nhân gây dị ứng. Đồng thời, nên chú ý giữ cho nhà cửa luôn sạch sẽ, thông thoáng; giặt chăn ga, gối nệm thường xuyên ở nhiệt độ cao để diệt khuẩn. Ngoài ra, nếu có điều kiện, có thể sử dụng máy lọc không khí hay máy lạnh có bộ lọc chuyên dụng để giúp loại bỏ mạt bụi, phấn hoa, lông thú cưng và các tác nhân gây dị ứng khác tốt hơn. Tuy nhiên, cần lưu ý không phải loại máy nào cũng có hiệu quả, bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ để chọn được loại máy phù hợp nhất.
Ngoài ra, có thể chuẩn bị sẵn một số loại thuốc không kê đơn phòng khi cơn dị ứng ập đến một cách đột ngột. Các thuốc không kê đơn được bán trên thị trường giúp làm giảm và kiểm soát các triệu chứng viêm mũi dị ứng gồm thuốc kháng histamin đường uống hoặc chế phẩm kháng histamin dùng cho mắt; các chất trị nghẹt mũi đường uống, tại mũi và dùng cho mắt...
Hiện nay, bạn có thể dễ dàng mua được những loại thuốc kháng histamin giúp giảm các triệu chứng dị ứng một cách nhanh chóng. Đặc biệt, nên ưu tiên các loại kháng histamin thế hệ 2 có chứa thành phần Desloratadine vì ít xảy ra tương tác với các hoạt chất khác, an toàn cho trẻ nhỏ trên 6 tháng tuổi. Các loại thuốc này còn có hiệu quả nhanh chóng và ít ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương, ít gây nên tình trạng buồn ngủ trong quá trình làm việc và sinh hoạt thường ngày.
Bệnh nhân cũng cần chú ý theo dõi các biểu hiện của cơ thể và thăm khám khi cần thiết để có thể xác định được chính xác tình trạng bệnh và có biện pháp điều trị kịp thời, nhằm tránh những biến chứng nặng hơn của viêm mũi dị ứng.
Nội dung này do Hội Hen – Dị ứng – Miễn dịch lâm sàng TP HCM thực hiện với sự tài trợ của Gigamed cho mục đích nâng cao nhận thức cộng đồng.
Yên Chi