- Cũng như tôi, Duy là người yêu văn nghệ. Duy sống cho con đường nghệ thuật của mình hoàn toàn, đặc cả tâm huyết vào đó. Cả đời này, vì nghệ thuật mà Duy đã cống hiến trọn vẹn cả tình cảm lẫn tài hoa.
- Cùng tham gia lớp học nhạc với giáo sư Jacques Chailley, Phạm Duy nói với Khê: “Cậu học về âm nhạc dân tộc là để trở thành chuyên gia về môn này, còn tớ chỉ học để biết trong dân gian có những cách nào làm cho thang âm ngũ cung phong phú hơn và những giai điệu sáng tác trên hệ thống ngũ cung, tiền ngũ cung có phong phú đa dạng hơn, không bị nhàm chán mà không đi theo phương pháp của Âu Tây.”
- Bên cạnh con người Phạm Duy – nhạc sĩ sáng tác, bản thân Duy còn là sự hóa thân của rất nhiều những con người khác mang những khía cạnh khác mà không phải ai cũng nhận thấy rõ ràng, đầy đủ. Thưở còn trai trẻ, cậu thanh niên Phạm Duy đã từng là một kẻ du ca rong chơi năm tháng trên nhạc lộ thênh thang cùng với sức trẻ yêu đời bằng quả tim rực cháy tuổi thanh xuân.
- Âm nhạc như một người tình quyến rũ. Duy đã ở bên “người tình” ấy cả đời để chiêm ngưỡng, phụng hiến hoàn toàn. Bên “người tình âm nhạc” Duy không có tuổi.
- “Người tình” của Duy dịu dàng như bản tình ca, mộc mạc, dung dị tựa khúc tình quê, mà nhiều khi sôi nổi, rộn ràng hệt nhịp hành khúc, có lúc lại trầm lắng, chiêm nghiệm về đời và đạo…
- Chúng ta đã đến, đã đi và đã về, đã làm và đã sống, đã yêu và đã mơ, đã thăng và đã trầm, đã cười và đã khóc… suốt hai thế kỷ này.
- Trước tiên tôi muốn đề cập tới một nhạc phẩm tiêu biểu mà tôi cho là rất đặc sắc trong cách sử dụng thang âm ngũ cung với một tinh thần sáng tạo của Phạm Duy. Đó là nhạc phẩm “Nụ tầm xuân”, dựa theo một câu ca dao rất quen thuộc của người Việt Nam:
“Trèo lên cây bưởi hái hoa
Bước xuống vường cà hái nụ tầm xuân
Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc
Em (đi) lấy chồng anh tiếc lắm thay…”
Câu đầu “Trèo lên cây bưởi hái hoa”, Phạm Duy dùng thang âm ngũ cung dạng II (âm cơ bản La):
Hò – Xự – Xang –Xê – Cống
Mi Fa# La Si Do#
mà cách vận hành giai điệu cũng đi từ Hò lên Liu và trở xuống như bài Lưu Thủy đoản. Nhưng cách sáng tạo của Phạm Duy lại không đi từ thấp lên cao bằng con đường thẳng hay con đường vòng, mà là đi từng bực quãng 5 chồng chất (La-Mi, Mi, Ré-La, Mi-Si, Si, La-Mi, Mi...) để cho chúng ta có cảm giác đi lên từng nấc thang hay “trèo lên cây bưởi”, tay vin cây, chân leo lên từng cành để hái cho được bông bưởi trắng muốt.
![]() |
Trèo lên, lên, trèo lên, trèo lên, lên, trèo lên
La - Mi, Mi, Re - La, Mi - Si, Si, La – Mi
Cách vận hành giai điệu từ thấp lên cao bằng những quảng 5 chồng chất mà cách vận hành mà tôi chưa từng gặp trong dân ca Việt Nam. Khi hát nhạc Phạm Duy, chúng ta chẳng những theo giai điệu từ thấp lên cao mà có cảm giác “thấy” được người trèo lên cây bưởi. Đó là một biệt tài của Phạm Duy.
(Trích: sách Tính dân tộc trong âm nhạc Phạm Duy & Tình bạn Duy Khê)