Tôi đã hiến cả đời tôi cho việc sưu tầm, bảo tồn, nghiên cứu âm nhạc truyền thống Việt Nam để đem tiếng nhạc đó giới thiệu sâu trong dân Việt và rộng khắp năm châu. Trước đây, khi còn là một thanh niên trẻ với bao hoài bão và ước vọng, tôi chỉ quan tâm đến tân nhạc vì trong đời tôi có lúc vọng ngoại, nghĩ rằng phải cố làm sao học nhạc phương Tây để làm cho âm nhạc truyền thống Việt Nam phát triển, và trong sự sáng tạo đó âm nhạc có thể vượt ra đường lối truyền thống để tìm một con đường mới.
Trên chuyến hành trình dài bất tận trong đời cũng như trong thế giới diệu kỳ của âm nhạc, tôi đã có may mắn quen biết rất nhiều người bạn lạ lùng, với những cá tánh đặc biệt, những tâm hồn nhạy cảm và tài năng phải nói là trác tuyệt. Phạm Duy là một trong những người như vậy, cũng có thể nói Duy là người “một trong muôn một”.
Sinh ra cùng một năm Tân Dậu với Nhạc sĩ Phạm Duy, tính theo dương lịch thì hai anh em tôi – “hai con gà” chàođời vào tháng 7 (Trần Văn Khê) và tháng 10 (Phạm Duy). Duy là người bạn rất thân trong cuộc đời tôi, nhứt là trong cuộc đời âm nhạc. Công việc của Duy ít nhiều có mối dây liên kết về dân tộc tính trong âm nhạc đối với công việc nghiên cứu và niềm đam mê của tôi. Với Phạm Duy, tôi có một tình thương yêu đặc biệt, thắm thiết chẳng kém anh em ruột thịt. Nhưng hai anh em chúng tôi, dầu đứng trên một lãnh vực âm nhạc Việt, nhưng mỗi người theo một hướng đi đặc biệt cho riêng mình và có những sinh hoạt khác hẳn với nhau. Tôi gởi cả óc tim mình cho âm nhạc truyền thống, còn Duy đắm say và thật có duyên với nền tân nhạc của Việt Nam ở mỗi thời kỳ.
Nhiều lần trong đời, tôi đã từng viết bài nói chuyện về những người bạn nhạc sĩ thân thiết cả về tân nhạc lẫn cổ nhạc của tôi như Lưu Hữu Phước, Lê Thương, Đỗ Nhuận, Nguyễn Xuân Khoát, Nguyễn Hữu Ba, Nguyễn Vĩnh Bảo, Võ Đức Thu..., và về sau này thỉnh thoảng có một vài bài nhận định về người nhạc sĩ đàn em của chúng tôi là Trịnh Công Sơn. Tuy nhiên với Phạm Duy, vì những hoàn cảnh về thời cuộc, về khoảng cách địa lý, về công việc làm mỗi người mỗi khác..., nên anh em chúng tôi ít có dịp gặp nhau, nhưng không vì thế mà không hiểu nhau. Bản thân tôi cũng đã từng viết về những sáng tác của Phạm Duy, nhưng các bài viết đó giới hạn trong việc bình luận, phân tách nhạc ngữ, lời ca... và cũng chỉ là những bài viết có tánh cách học thuật, trao đổi về nghề nghiệp chứ ít khi có những bài đi sâu vào cá tánh và tâm hồn của Duy, hoặc kể lại những kỷ niệm, hoặc có tánh chất thân mật, sâu sắc về tình bạn của hai anh em. Tôi cho rằng đó là một sự thiếu sót lớn nếu không nói ra được những khía cạnh riêng biệt của Duy trong lòng tôi!
Ngày nay, trong buổi hoàng hôn của cuộc đời, tôi vẫn còn cơ hội gặp lại Phạm Duy và nhờ ơn trên sắp đặt, hai anh em chúng tôi lại cùng sống trong một đô thị, cùng chung một bác sĩ chăm lo sức khỏe, cùng có dịp đem sức tàn của chúng tôi để tiếp tục phụng sự âm nhạc Việt Nam. Tuy rằng mỗi người một cách thể hiện, nhưng tất cả đều cùng chung một tấm lòng yêu thương vô bờ bến với quê hương, con người và văn hóa Việt Nam.
Những nghệ phẩm lớn nhỏ đủ loại của bạn tôi, tôi nghe rất nhiều và cũng đã từng chia sẻ với bạn những cảm tình chân thật. Khi hoan nghinh triệt để, lúc phủ nhận hoàn toàn, khi thương yêu nồng thắm, lúc giận dữ không nguôi, nhưng rốt cuộc lại cũng như trong bài “Ví dặm” của Nghệ Tĩnh: “Giận thì giận, mà thương thì thương”.
Trước khi trở về Việt Nam sanh sống, tôi đã từng đọc qua rất nhiều bài viết trong và ngoài nước của các tác giả ở đủ mọi lãnh vực về tài nghệ của Phạm Duy, rất toàn diện, sâu sắc, tinh vi. Nên trong những lúc gặp gỡ sau này, khi đã hội ý cùng bạn, tôi rất muốn ghi lại những cảm tưởng của tôi về một số nhạc phẩm rất đậm màu dân tộc mà Duy đã sáng tạo. Những nghệ phẩm từng đi sâu vào lòng người đó mang đầy hơi hướng dân ca ba miền, có cách sử dụng ngôn ngữ âm nhạc truyền thống để sáng tác những nhạc phẩm mới mà vẫn rất đậm đà tính dân tộc Việt Nam. Trong lúc này, nói về nhạc Phạm Duy, tôi không chỉ ghi lại những cảm tưởng chung chung, mà sẽ phân tích trong chi tiết những câu, những đoạn nhạc mà tôi cho rằng trong đó có sử dụng các thang âm ngũ cung, tiền ngũ cung, đôi khi có vài điệu thức dân tộc, nhứt là cách vận hành giai điệu phù hợp theo cách làm của cha ông chúng ta ngày xưa đã sử dụng và chắt chiu để trao lại cho thế hệ mai sau.
Cũng trong dịp này, tôi sẽ nhân câu chuyện giữa Phạm Duy và tôi, giới thiệu rành rẽ hơn về ngôn ngữ âm nhạc Việt Nam, về cách sử dụng thang âm ngũ cung trong âm nhạc truyền thống dân gian và nghệ thuật, những chi tiết nhỏ để nói rõ rằng không phải chỉ dùng ngũ cung là có được bản sắc Việt Nam, vì trong ngũ cung cũng có rất nhiều loại, nhiều cách xây dựng, cách phát triển và chỉ ra phong cách của Việt Nam là như thế nào, để không phải khen ngợi bạn tôi là người khéo áp dụng cái cổ để sáng tác cái mới mà nêu rõ ra những sáng tạo của Phạm Duy đã làm giàu thêm cho nhạc ngữ Việt Nam.
Nhưng trước khi đi vào tài nghệ đặc biệt của Phạm Duy, tôi muốn ghi lại những điểm giống nhau và khác nhau trong cuộc đời của chúng tôi, trong sự ưa thích, trong sự gặp gỡ những con người trong từng giai đoạn, thời điểm khác nhau, trong một số công việc phải làm để mưu sống, đôi khi rất xa với lý tưởng và mục đích của cuộc đời chúng tôi, hay trong những chuyến đi “xuyên Việt”, những cuộc ngao du “khắp bốn biển năm châu”... ngang qua quãng đời của hai anh em chúng tôi từ lúc ấu thơ đến khi trưởng thành. Trong đoạn viết về dân tộc tính trong sáng tác của Phạm Duy, tôi sẽ nhân dịp đó đưa các bạn đi vào thế giới âm nhạc cổ của dân tộc để các bạn thấy rõ những nét đặc thù trong ngôn ngữ âm nhạc truyền thống Việt Nam. Và phần kết, tôi sẽ nêu rõ vị trí của Phạm Duy trong văn hóa Việt Nam, qua quan điểm của tôi.
Hy vọng các bạn sẽ cùng đi hết cuộc hành trình này với hai anh em chúng tôi.
Bình Thạnh, ngày 06-12-2011
GS.TS. Trần Văn Khê