Hôm 9/9, tại cuộc họp về tăng cường quản lý chương trình phát Internet, Tổng cục Phát thanh, Truyền hình yêu cầu "kiên quyết không để nghệ sĩ phạm pháp, thất đức lợi dụng các nền tảng Internet để phát ngôn, lộ diện". Trước đó, Bộ Tuyên truyền quy định tăng cường xử phạt với nghệ sĩ vướng scandal, cấm những người này "tái xuất ở lĩnh vực khác". 14 nền tảng lớn như Weibo, Douyin, Iqiyi, Tencent video, Youku... cũng cam kết "làm sạch không gian mạng", không quảng bá cho các hoạt động của nghệ sĩ vướng scandal.
Tờ Legal Daily - cơ quan ngôn luận của Ủy ban Trị quốc bằng pháp luật toàn diện Trung ương - nhắc tên Phạm Băng Băng trong một bài báo, gọi cô là "nghệ sĩ phạm pháp, thất đức". Theo tờ này, Phạm Băng Băng cùng một số nghệ sĩ từng vướng bê bối bị cấm đóng phim nhưng vẫn xuất hiện trước công chúng qua nhiều hình thức, trong đó có livestream bán hàng, nhờ vậy vẫn "kiếm được bộn tiền".
Tháng 10/2019, khi livestream cùng một hotgirl, Băng Băng bán được số hàng trị giá hơn 10 triệu nhân dân tệ (1,5 triệu USD) trong vài phút. Theo ATVnews, sau quy định mới của các cơ quan quản lý, Phạm Băng Băng khó có thể livestream bán hàng. Nhiều blogger giải trí cho rằng các động thái của giới chức dập tắt hy vọng vực dậy sự nghiệp ở làng giải trí của minh tinh họ Phạm.
Hiện, khán giả tranh cãi về quy định "phong sát triệt để" nghệ sĩ vướng scandal. Nhiều chuyên gia cho rằng nghệ sĩ phát triển sự nghiệp không chỉ qua phim ảnh, chương trình truyền hình mà còn trên Internet. Vì vậy, khi họ vi phạm, cũng cần bị xử phạt trên không gian mạng.
Trên Legal Daily, Chu Ngụy, làm việc ở Đại học Chính pháp, nói nghệ sĩ nhận chú ý lớn trong dư luận, có sức ảnh hưởng với khán giả vì vậy yêu cầu với họ cao hơn người bình thường. Nếu không hạn chế họ xuất hiện trên Internet, khán giả sẽ cảm thấy mức phạt không gây ảnh hưởng tới nghệ sĩ. Không đóng phim, họ vẫn có thể ung dung hoạt động qua các nền tảng trực tuyến.
Đồng quan điểm, luật sư Dương Mẫn thuộc công ty luật Yingke, Bắc Kinh, nói: "Để nghệ sĩ vi phạm tiếp tục thành tâm điểm chú ý là tiếp tay cho việc hình thành quan niệm, giá trị lệch lạc với các fan trẻ tuổi. Vì vậy, buộc trừng phạt nghiêm nghệ sĩ vướng bê bối". Trên Weibo, nhiều khán giả ủng hộ "tẩy chay toàn diện" nghệ sĩ thất đức.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng không nên xử phạt tất cả người vướng scandal. Lưu Thừa Vỹ, chủ nhiệm trung tâm Văn hóa, Giải trí ở Đại học Chính pháp cho rằng cần căn cứ mức độ ảnh hưởng nặng, nhẹ để xử lý, cho một số trường hợp vi phạm nhẹ cơ hội tái xuất.
Trên Weibo, tài khoản Xiaoxue viết: "Nghệ sĩ chẳng phải thánh nhân, ở đời có ai chưa từng phạm lỗi? Họ sai một lần nhưng bị nhắc, bị mắng cả đời. Thật đáng sợ". Tài khoản Lin Sheshe cho biết không ủng hộ việc cấm nghệ sĩ từng vướng scandal livestream bán hàng: "Sản phẩm họ bán có vấn đề gì không? Nếu không có vấn đề gì vì sao không được bán? Trung Quốc có bao nhiêu người livestream, có cần kiểm tra toàn bộ họ từng thất đức, vi phạm gì không?".
Nghinh Xuân (theo Legal Daily)