Trong hợp đồng thử việc nêu rõ sau thời gian hai tháng, tôi không mắc sai phạm gì và hoàn thành tốt công việc thì sẽ được nhận chính thức. Tuy nhiên, sau hai tháng thử việc công ty không có phản hồi.
Tôi hỏi người quản lý thì được báo công ty đang sắp xếp. Đến tháng 5 vừa qua, công ty cho tôi nghỉ việc với lý do không đạt yêu cầu thử việc. Vậy trường hợp này, công ty có phải chịu trách nhiệm gì với tôi không?.
Luật sư tư vấn
Theo Điều 27 Bộ luật lao động năm 2012 về thời gian thử việc: Thời gian thử việc căn cứ tính chất và mức độ phức tạp của công việc nhưng chỉ được thử việc một lần đối với một công việc và đảm bảo các điều kiện sau:
- Không quá 60 ngày đối với công việc có chức danh nghề cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật từ cao đẳng trở lên.
- Không quá 30 ngày đối với công việc có chức danh nghề cần trình độ chuyên môn kỹ thuật trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp, công nhân kỹ thuật, nhân viên nghiệp vụ.
- Không quá 6 ngày làm việc đối với công việc khác.
Theo Điều 7 Nghị định 05/2015 ngày 12/01/2015 quy định về thông báo kết quả thử việc: Trong thời hạn ba ngày trước khi kết thúc thời gian thử việc đối với người lao động làm công việc có thời gian làm việc không quá 30 ngày hoặc không quá 60 ngày người sử dụng lao động phải thông báo cho người lao động kết quả công việc người lao động đã làm thử.
Nếu đạt yêu cầu thì khi kết thúc thời gian thử việc, người sử dụng lao động phải giao kết ngay hợp đồng lao động với người lao động.
Như vậy, theo quy định của pháp luật hiện hành, công ty đã vi phạm về thời gian thử việc với người lao động và thông báo về kết quả thử việc. Cụ thể, với vị trí bán hàng là vị trí không yêu cầu trình độ về chuyên môn kỹ thuật thì thời gian thử việc tối đa là 6 ngày làm nhưng công ty lại yêu cầu bạn thử việc trong thời gian hai tháng. Sau khi kết thúc thời gian thử việc, người sử dụng lao động phải có trách nhiệm thông báo với người lao động về kết quả công việc nhưng công ty đã không làm việc này.
Ngoài ra, theo điều 9 Nghị định 28/2020/NĐ-CP ngày 1/3/2020, hành vi vi phạm quy định thử việc sẽ bị xử lý như sau:
- Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng với người sử dụng lao động có một trong các hành vi: Yêu cầu thử việc với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động theo mùa vụ; không thông báo kết quả công việc người lao động đã làm thử theo quy định của pháp luật.
- Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây: Yêu cầu người lao động thử việc quá một lần đối với một công việc; thử việc quá thời gian quy định; trả lương cho người lao động trong thời gian thử việc thấp hơn 85% mức lương của công việc đó; kết thúc thời gian thử việc, người lao động vẫn tiếp tục làm việc mà người sử dụng lao động không giao kết hợp đồng lao động với người lao động.
Ngoài ra, người vi phạm còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả như buộc trả đủ tiền lương của công việc đó cho người lao động hoặc buộc giao kết hợp đồng lao động với người lao động
Với tất cả hành vi vi phạm trên, công ty sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính, đồng thời phải nhận bạn vào làm lại với vị trí đã thử việc, thanh toán tiền lương.
Luật sư, Thạc sĩ Phạm Quốc Bảo
Công ty Luật Bảo Ngọc, Hà Nội