Tôi phải làm gì trong trường hợp này?
Luật sư tư vấn
Theo khoản 1 Điều 3 Bộ luật lao động: người lao động là người từ đủ 15 tuổi trở lên, có khả năng lao động, làm việc theo hợp đồng lao động, được trả lương và chịu sự quản lý, điều hành của người sử dụng lao động.
Bên cạnh đó Điều 15 Bộ luật Lao động 2012 quy định: Hợp đồng lao động là sự thoả thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả lương, điều kiện làm việc, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động.
Như vậy, người lái xe ôm công nghệ cần đáp ứng được các điều kiện: đủ 15 tuổi trở lên, có khả năng lao động, chịu sự quản lý, điều hành từ phía hãng xe. Tuy nhiên tài xế không được trả lương từ phía các hãng xe công nghệ mà nhận thù lao từ khách hàng nên họ chỉ được xem là cộng tác viên, đối tác và không được ký hợp đồng lao động. Do đó, tài xế xe công nghệ không được xem là người lao động thuộc đối tượng áp dụng của Bộ luật lao động 2012. Hiện nay, pháp luật cũng chưa có quy định hay hướng dẫn cụ thể nào về tài xế xe công nghệ.
Ngoài ra theo khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, bạn không phải là người làm việc theo hợp đồng lao động nên bạn không thuộc trường hợp là đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Để đảm bảo được quyền lợi của bản thân, bạn nên tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội 2014, bảo hiểm xã hội tự nguyện gồm chế độ hưu trí và tử tuất. Mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện được tính trên cơ sở mức thu nhập hàng tháng do người lao động lựa chọn. Trường hợp người lao động vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện được hưởng chế độ hưu trí và chế độ tử tuất trên cơ sở thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội.
Luật sư, Thạc sĩ Phạm Thanh Bình
Công ty Luật Bảo Ngọc, Hà Nội