Mô phỏng phin cà phê, bộ trà phong cách độc ẩm của Minh Long giúp tách từng lớp hương của lá trà, giữ nguyên vị tinh khiết
nước đầu đến nước cuối.
Gặp chuyện tình cờ, nếu vô ý sẽ bỏ qua, còn người tinh tế có thể tận dụng để biến nó thành sự kiện để đời. Như trong lời kể của ông Lý Ngọc Minh, cái tình cờ của ông đến từ 30 năm trước, khi du lịch thường được bạn bè dẫn đến quán trà. Uống tại tiệm ngon nhưng mua về, trăm lần như một, ông đều cảm thấy ấm ức như bị gạt vì trà pha ra chẳng thơm mà lúc nhạt nhẽo, khi đắng chát. Mua đúng gói trà người bán vừa pha, đem về cũng không thơm ngon mong muốn.

Không cam chịu “bị gạt”, ông tìm lời giải, rồi vỡ lẽ bí ẩn không chỉ ở lá trà mà còn nằm trong cách pha. Tìm được lời giải ở nghệ thuật pha trà công phu, ông chợt nảy ý tưởng: đơn giản hóa các thao tác ấy bằng việc sản xuất ra bộ dụng cụ để người mới pha lần đầu đạt được hương vị như đã qua bàn tay của nghệ nhân, dù không có kiến thức về trà.

Năm 2016, ông bắt tay thực hiện dự án. Đến năm 2018, bộ sản phẩm hoàn thiện, được đăng ký phát minh với Cục Sở hữu trí tuệ, gồm: bình pha trà, tách, phin trà, ty chặn trà, viên sứ giữ nhiệt, đế hâm nước, nến. Vẻ ngoài hiện đại với tông vàng nhã nhặn, kết hợp men sứ trắng, điểm xuyết bằng các chi tiết trang trí vàng 24k.
Văn hóa Việt trọng lời chào, quý tình cảm, thế nên lúc ngồi xuống hàn huyên, ông bà ta thường mượn miếng trầu. Nhưng ở xã hội hiện đại, theo ông Minh, văn hóa uống trà dần trở thành nhịp cầu kết nối giữa người với người, thay thế trầu, rượu. Nhấp một miếng trà, tự bản thân toát lên nét tao nhã, nếu biết uống vừa phải, đúng cách sẽ rất tốt.

Trà, không như các thức nước khác, không uống ừng ực để giải khát mà phải nhâm nhi để thấm cái hương, nếm trọn vị. Nước trà có caffein giúp người thưởng thức cảm thấy sảng khoái, hưng phấn và vui vẻ. Thế nên mời trà chính là tạo tiền đề cho sự vui vẻ cho người đối ẩm. Mà theo ông Minh, bất cứ việc gì muốn thành công thì phải khiến cho đối tác vui vẻ. Bởi vui nghĩa là thích, mà thích sẽ giải quyết theo hướng tích cực, hợp tác thành công; còn không thích sẽ viện dẫn lý do, trì hoãn.
Chuyện của trà, cũng có thể trở thành chủ đề cho quá trình thương thảo với đối tác uyển chuyển hơn như nghệ thuật trong giao tiếp. Cùng đối tác bàn chuyện kinh doanh, thấy khô khan quá thì lái sang món trà đang uống tên gì, xuất xứ nơi đâu, trà mình thích nhất là gì và ở vùng nào thơm ngon nhất… Tự khắc câu chuyện giảm nhịp căng thẳng, đối phương cũng thấy hứng thú hơn, ta sẽ dễ dàng nhận được sự đồng thuận.

Mỗi vùng miền một cách uống trà, nhưng không ai là không yêu cái hương thơm thanh tao, chát đầu lưỡi mà nhấp xong lại thấy ngọt hậu. Đêm trăng kê chiếc sạp ngoài hiên, bày biện ít mứt ngọt, bánh dẻo, pha ấm trà thơm. Người lớn sum vầy hàn huyên, trẻ em rước đèn, háo hức chờ phá cỗ, niềm vui dường như mãi không dứt. Trà, chính vì thế cũng thở thành kỷ niệm, nét gợi nhớ về một miền hạnh phúc.
Uống trà thi vị là thế, nhưng để pha tách trà ngon, chẳng mấy ai làm đúng cách. Ấm trà truyền thống không thể pha theo lối công phu. Vậy phải làm sao để sản xuất ra một bộ trà thao tác sử dụng đơn giản nhưng hiệu quả mang lại không kém các nghệ nhân? Đề bài này được ông Lý Ngọc Minh giải đáp qua việc nghiên cứu sâu nghệ thuật pha trà, đặc tính của lá trà, rồi từ đó mới thiết kế dụng cụ cần thiết.

Nghệ thuật pha trà công phu, nhìn thoáng qua thấy thao tác của họ đều rất bình thường, nhưng bên trong, mỗi tình tiết đều ẩn ý. Không phải cứ bỏ trà vào bình rồi chế nước sôi, muốn nhạt thì dùng ít lá, để vị đậm thì ngâm lâu hoặc cho nhiều trà. Đó cũng là ông phát hiện ra, nguyên lý không phải như thế. Đầu tiên, phải tráng bình trà cho nóng rồi mới đưa trà vào, tráng nước sôi thêm một lần để loại bỏ bụi bẩn, giúp lá thấm nước, ủ nóng trà. Bình đã tráng nước sôi để tránh việc bình nguội, trà nóng, hai yếu tố đối ngược khiến hương trà bốc đi, lá chưa thấm nước, không ra vị thơm ngon.
Đặc tính lá trà cũng là một trong những yếu tố quan trọng. Ở một số vùng, sau khi hái về thì người thợ dùng tay se trà cho lá cuốn tròn lại, bởi lá trà cũng như một số loài thực vật khác, có túi dầu bên trên bề mặt nhằm mục đích chống côn trùng. Se lá cho các tế bào ấy vỡ ra, lúc pha trà mới dậy lên mùi hương. Lá trà ngon phải được trồng ở nơi có đủ khoáng chất thì hương vị mới đậm đà.

Từ những kiến thức về nghệ thuật pha trà và đặc tính lá trà đã nghiên cứu, ông Minh thiết kế bộ pha trà kiểu mới, phải đơn giản khi sử dụng, đơn giản trong sản xuất, dễ bảo quản, nhưng hiệu quả cao.

Với nguồn cảm hứng từ phin cà phê, bộ pha trà cũng sử dụng phin để lọc. Phin lọc trà có 2 lỗ điều tiết để nước chảy xuống, đảm bảo thời gian từ khi rót nước, thấm qua trà, chế đầy ly luôn duy trì 30-40 giây. Khoảng thời gian này phù hợp với lượng trà 2-3 gram, nước nóng ở nhiệt độ 80-90 độ C, cho độ đậm đặc và hương thơm chuẩn như trà công phu. Nếu chảy nhanh hơn nữa, trà không ra hết mà chậm chút đi thì nước sẽ đắng.

Bên trong phin lọc có ty chặn trà và cục sứ giữ nhiệt. Ty chặn trà là vật dụng để thay thế lọc trà thường thấy, thiết kế giống với bộ pha cà phê, nhưng cách sử dụng khác hẳn. Đặt ty vào trong phin rồi mới bỏ trà vào, nhằm giúp lá trà không lọt xuống dưới, bít lỗ khiến nước không chảy qua. Sau đó thả vào cục sứ giữ nhiệt rồi mới chế nước.

Cục sứ chặn lại để lá trà đừng nổi lên, đồng thời giữ nhiệt và giữ hương. Ở bình trà thông thường, sau khi tráng với nước sôi, lá trà nở, hơi nóng bốc lên tự do nên mất hương, nguội nhanh. Vậy nên phải uống liên tục, không thể nghỉ ngơi, làm mất hết ý nghĩa của trà là thưởng thức phải nhâm nhi, từ từ. Cục sứ có thể nóng đến 30 phút, thậm chí một tiếng, tức là trà được ủ, dậy hương thơm.

Khi rót nước vào, trà ra độ đậm đặc vừa phải, chảy thẳng xuống ly bên dưới. Trong phin trà không còn nước nên trà không bị ngâm, hạn chế tiết ra tanin làm nước trà đắng, chát. 5 phút sau có thể rót thêm đợt nước mới. Để làm được cục sứ này, ông Minh bảo “nhức đầu lắm, chứ không hề đơn giản”. Nếu nhẹ quá sẽ không giữ được trà, thiếu độ nóng trà không được ủ, khiếm khuyết mùi thơm.

Để luôn có nước nóng pha trà, ông Minh đã sáng chế ra ấm nước đặt trên dụng cụ mô phỏng kệ bếp, bên trong là ngọn nến. Khoảng cách từ nến đến bình nước được tính toán kỹ, để nhiệt độ không quá cao hay thấp, luôn duy trì 80-90 độ C - khoảng nhiệt vừa đủ để nước trà pha ra là ngon nhất.
Ngoài việc thấu hiểu đặc tính của từng loại đất, phối kết nguyên liệu một cách tinh tế, kỹ thuật khắt khe nhất trong việc chế tác bộ trà là đảm bảo độ chuẩn xác, tức máy móc phải hiện đại. Kích thước từng dụng cụ tính toán tỉ mỉ, cục sứ chỉ cần lớn hơn một chút sẽ không để lọt vào phin và ty chặn trà, lỗ thoát nước nhỏ chút là vận tốc nước sẽ có sai số.

“Tất cả những dụng cụ của bộ pha trà, nhìn thấy có vẻ đơn giản, nhưng đó là quá trình nghiên cứu rất lâu, vì mọi chuyện đều có lý do, mà muốn giỏi thì phải tìm tòi với tâm thế ham thích, tò mò”, ông Minh nói. Bộ trà ra được dáng hình, nhưng cũng phải mất thêm một năm để dùng thử, tìm ra những vấn đề phát sinh hoặc sự cố mọi người gặp phải để sửa đổi. Trong quá trình đó, vị tổng công trình sư là ông Minh, cũng đôi lần “bí”. Mỗi lúc như vậy, ông tạm thời gác lại, tiếp tục nghiên cứu rồi thử nghiệm, thay đổi.

Đến cuối năm 2018, sau hàng trăm lần làm rồi thử, sản phẩm hoàn thiện ra lò, chính thức có mặt tại các showroom.
Niềm tự hào của vị tổng công trình sư là sau khi chế tác thành công, phát minh của ông đạt được những đặc tính khác biệt. Ấn tượng và trực quan nhất là vẻ ngoài hiện đại, sang trọng, trang nhã. Đáp ứng tiêu chí “không tuổi tác”, thiết kế phù hợp thị hiếu giới trẻ, dùng hình oval cách điệu thay vì dáng tròn truyền thống, khuyến khích giới trẻ thói quen uống trà tốt cho sức khỏe.

Người Việt thích những ấm trà tử sa vì mang vẻ hoài cổ, giữ trà lâu hư, thơm ngon hơn… nhưng người phương Tây nhìn vào không thích vì họ không biết có vệ sinh, sạch sẽ không. Sản phẩm của Minh Long còn có tiêu chí “không biên giới”, vì vậy, bộ trà làm ra với khả năng không bám bẩn, dù để trà lâu nhưng chỉ cần rửa sơ sẽ sạch. Nước trà tinh khiết, đồ đựng cũng phải tinh khiết, phủ men sáng bóng, mắt nhìn mới thấy ngon, hứng thú thưởng thức.

Màu sắc chủ đạo là vàng chanh tựa như màu cung đình nhưng xuống bớt tông để vẻ ngoài sang trọng, trang nhã, thay vì quá cầu kỳ, khiến người thưởng trà mất tự nhiên. Màu vàng này còn được chỉnh sửa nhằm hợp với mọi ánh đèn, không gian, ấm áp và tinh khiết như nước trà. Thiết kế không lạm dụng họa tiết, chỉ sử dụng một đường chỉ vàng tạo nét sang trọng, hoa văn tinh tế.

Cấu trúc của bộ trà cũng khác biệt, không cần cái lược trà, ủ nóng không phải bằng nước mà dùng viên sứ. Khi rót nước thì trà ra hương theo từng lớp, mỗi lần rót là tách đi một lớp hương từ trà, chứ không phải chế thật nhanh, ngâm thật lâu. Bình hâm nóng liên tục, không cần canh lửa, tránh vướng bận ổ cắm, dây nhợ. Ngọn đèn lập lòe mà trong buổi đêm tĩnh lặng sẽ tạo thêm sự lãng mạn cho những người đối ẩm.

Cách pha này giúp tiết kiệm trà. Cùng một lượng (2-3 gram) có thể chế được 6 ly tức 6 nước, thay vì chỉ 3 nước như thông thường. Hương vị của nước đầu và nước cuối là giống nhau, không có sự khác biệt.
Khi muốn uống thì chế nước, lúc nào cũng được thưởng trà nóng, trà ngon. Người uống cũng có thể tự điều chỉnh theo sở thích, nếu muốn uống đậm thì chỉ cần chế nửa ly, còn đầy một ly cho ra hương vị vừa phải. Thời gian ngưng hay tiếp tục uống cũng do bản thân khống chế, tự do, thay vì lúc mình không thích lại được người khác rót ly thật đầy.

Bộ trà chuẩn bị sẵn, mọi người chủ động pha. Chủ nhà cũng không cần loay hoay với việc chế nước, rót trà, không tập trung vào câu chuyện hay vì mải tiếp chuyện mà quên mất nghĩa vụ mời nước khách đến chơi. Cũng không nhất thiết phải mỗi người mỗi bình, nếu cuộc gặp mặt có 2-3 người thì chỉ cần dùng một bình, cùng nhau thưởng thức.

Độc đáo là thế, nên khi đem bộ trà để tặng cho người bạn đồng hành thường cùng đi tìm mỏ đất, được ông Minh hướng dẫn tỉ mỉ từng thao tác, người bạn này mới thích thú pha thử hết hàng chục loại trà mang theo mình. Rồi ông tấm tắc khen, từ trà đen đến trà xanh, hồng trà, loại nào cũng nếm được vị ngon và hương thơm.
Ông Minh yêu thích một câu ngạn ngữ phương Tây và thường xuyên dùng để nói chuyện với mọi người: “Sức khỏe là tài sản quý nhất của con người nhưng được canh giữ một cách khinh suất nhất”. Chính vì vậy, những năm gần đây, ông đã nghiên cứu và cho ra đời hàng loạt dòng sản phẩm sứ dưỡng dinh, tốt cho sức khỏe. Bộ trà là một trong số đó.

Các nghiên cứu chứng minh trà chứa chất chống oxy hóa, chống ung thư, giảm cholesterol, bảo vệ não khỏi tổn thương. Uống một ly trà mỗi ngày còn giúp giảm cao huyết áp, giảm mỡ máu, ngăn chặn suy thoái chức năng tim và não, giãn khí quản…
“Trước đây, tôi thường làm các hoạt động xã hội bên ngoài, bây giờ thì thực hiện nó trực tiếp trên sản phẩm của mình. Nhiều năm qua, tôi đầu tư gần như toàn bộ công sức để cho ra đời hàng loạt mẫu sứ tốt cho sức khỏe”, ông Minh bộc lộ.

Đồ sứ có những tính năng đặc thù. Lấy ví dụ như nồi sứ dưỡng sinh, không cần dùng nước vẫn có thể luộc gà, luộc trứng, chiên ở nhiệt độ thấp… nhờ có tia hồng ngoại. Cũng vì nguyện vọng mang đến sức khỏe cộng đồng, ông luôn tâm huyết với dòng sứ dưỡng sinh. Dù với mức giá bán ra hiện tại, mọi dòng sản phẩm từ phin cà phê đến nồi sứ, đũa sứ, Minh Long đều lỗ mà phải tiêu thụ được số lượng rất lớn mới hoàn vốn.

Thời gian tới, hãng gốm sứ cho ra mắt bộ trà với mức giá trung bình, kiểu dáng thời trang, chỉ cần bỏ ra 100.000-200.000 đồng là có thể mua được. Ông Minh cũng tìm kiếm những vùng trồng trà ngon, các danh trà nức tiếng của Việt Nam để đóng thành gói, tặng kèm các bình trà khi bán ra.

Văn hóa thưởng trà đã có từ hàng nghìn năm, nhưng vị tổng công trình sư vẫn có thể sáng chế ra một bộ dụng cụ mới, mà với ông nó còn mang ý nghĩa của một vật để đời. Bởi không chỉ học nhiều, đọc nhiều, làm đầy kho tàng kiến thức của mình mỗi ngày, ông còn vận hành Minh Long - công ty đã thành lập 50 năm - với tinh thần của một người làm startup.

“Tôi luôn tìm kiếm những điều mới, cứ làm với đam mê, không sợ thất bại, cứ làm rồi sẽ thành công, lan tỏa tinh thần này cho thế hệ kế tiếp”, ông bày tỏ .
Bộ bình trà bằng sứ pha phin
 
 
Nhân dịp Trung thu 2019, Minh Long cho ra mắt bộ trà An Nhiên với kiểu dáng elip, họa tiết hoa cúc biểu tượng của mùa thu. Bộ trà có màu xanh ngọc trên nền sứ trắng, viền chỉ vàng tạo điểm nhấn.
Nội dung: Hoài Nhơn
|
Ảnh: Hữu Khoa
|
Video: Công Khang
Thiết kế: Hưng Trịnh
|
Kỹ thuật: Quốc Toàn