Nghiên cứu do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Viện Guttmacher thực hiện đăng tải trên The Lancet cho thấy toàn cầu hiện có 56 triệu ca phá thai mỗi năm. Ở những năm 1990 con số này là 50 triệu ca. Đối với các nước phát triển, số ca nạo phá thai giảm từ 46 xuống 27 ca trên 1.000 phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. Đặc biệt tại Mỹ, chỉ còn 17 ca nạo phá thai trên 1.000 phụ nữ. Ở những nước phát triển, con số này không thay đổi đáng kể, từ 39 xuống còn 37 ca trên tổng số 1.000.
Tiến sĩ Gilda Sedgh, tác giả nghiên cứu cho biết việc ngày càng nhiều phụ nữ hiểu biết, sử dụng các biện pháp tránh thai đã giúp giảm tình trạng nạo phá thai. Ở những năm 1980, rất ít phụ nữ tiếp cận đúng cách. Tuy nhiên, ở các nước đang phát triển, nhiều phụ nữ chưa nhận được sự hướng dẫn đầy đủ về các biện pháp tránh thai. Nhiều người chủ quan rằng họ có thể tự tránh thai hoặc lo lắng tác dụng phụ nên e dè khi sử dụng.
Ở một vài quốc gia, luật hạn chế phá thai ra đời đã giúp hạn chế tình hình. Tuy nhiên nhiều nơi dù ban hành luật thì tình trạng vẫn không cải thiện. Ước tính trong số 56 triệu ca phá thai hàng năm, có khoảng 16 triệu ca xảy ra ở những đất nước bị cấm phá thai hoàn toàn hoặc chỉ cho phép khi người mẹ mang thai gặp vấn đề sức khỏe.
Luật hạn chế phá thai ở các nước đang phát triển đi cùng với đó là sự ra đời các dịch vụ bất hợp pháp sự, làm gia tăng những ca nạo phá thai không an toàn, dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm. Hơn 30% phụ nữ phá thai ở các nước đang phát triển đối mặt với biến chứng, so với chỉ 0,05% phụ nữ Mỹ gặp tình trạng này.
Với gánh nặng từ giải quyết biến chứng của việc nạo phá thai không an toàn ở các nước đang phát triển, các chuyên gia đặt ra sự cấp thiết của việc tiếp cận các biện pháp tránh thai hiệu quả. Việc đầu tư vào các phương pháp hiện đại sẽ ít tốn kém và gây thiệt hại cho xã hội cũng như người phụ nữ hơn so với mang thai ngoài ý muốn rồi nạo phá không an toàn.
Lê Phương