Tiếng khóc của Hoa phá tan không khí vốn khá yên tĩnh của khu phòng tư vấn nạo phá thai. Gần chục người phụ nữ đang chờ đến lượt tư vấn hướng mắt nhìn đầy sẻ chia với thai phụ nhỏ tuổi. Mẹ Hoa cho biết nhiều lần thăm dò con gái đều bảo chưa có người yêu. Gần đây thấy con nôn ói và xanh xao hơn, chị gặng hỏi mãi thì con mới khai thật là đã quan hệ nhiều lần với cậu bạn cùng lớp và trễ kinh mấy tháng nay. Mua que về cho con thử thai, chị chết đứng khi thấy kết quả hai vạch.
"Nó chưa đủ tuổi, còn cả tương lai học hành phía trước không biết phải giải quyết thế nào nên hai mẹ con âm thầm từ quê lên đây cho kín đáo", người mẹ chia sẻ.
Vì thai đã lớn không thể uống thuốc gây sẩy thai tự nhiên, Hoa được chỉ định hút thai. Khi nhân viên tư vấn giải thích về những tai biến có thể gặp của hút thai như thủng tử cung, sót nhau, dính lòng tử cung, thậm chí vô sinh về sau.., người mẹ bối rối một lát rồi mới kiên quyết bỏ thai. Thay váy vào phòng thủ thuật, Hoa nước mắt lưng tròng vì sợ.
Chần chừ ngồi suy nghĩ sau khi bước ra từ phòng tư vấn, nữ sinh tại một trường ở TP HCM cho biết cô đã từng đến đây vào 2 tuần trước, không nỡ bỏ thai nên quay về. Do lỡ dính bầu, cô và bạn trai về thưa chuyện gia đình, chấp nhận chuyện tạm hoãn việc học để sinh em bé. Nhà trai ban đầu đồng ý cưới nhưng sau đó phản đối vì bảo là tuổi hai đứa không hợp nhau.
"Em không muốn bỏ con nhưng áp lực của chính gia đình quá lớn. Nếu giữ thai lại thì em sẽ không biết mình có xoay sở nổi không. Giờ thai đã 8 tuần, em đến đây 2 lần rồi vẫn chưa biết quyết định thế nào", cô gái nhìn chằm chằm vào cuốn sổ khám bệnh và tờ kết quả siêu âm có hình đứa con đang dần tượng hình.
Việt Nam hiện vẫn là một trong những nước có tỷ lệ phá thai cao nhất trên thế giới. Tại các bệnh viện phụ sản lớn như Từ Dũ, Hùng Vương (TP HCM) mỗi năm có hàng chục nghìn lượt đến phá thai. Trong số này số ca phá thai ở lứa tuổi vị thành niên, thanh niên chưa lập gia đình được ghi nhận có xu hướng gia tăng.
Theo ông Nguyễn Đình Bách, Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Thanh tra, Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Bộ Y tế mỗi năm có khoảng 70.000 ca phá thai ở lứa tuổi vị thành niên, thanh niên chưa lập gia đình. Các điều tra cũng cho thấy, khi có thai những người này thường không biết cách xử lý phù hợp và chỉ đến bệnh viện khi tuổi thai đã quá lớn, khiến việc phá thai dễ gây biến chứng nguy hiểm.
Tuổi dậy thì ở vị thành niên đang có xu hướng sớm hơn, dẫn đến nhu cầu tình dục sớm. Trong khi đó, có tới 22,2% thanh thiếu niên đã lập gia đình có quan hệ tình dục trước hôn nhân. Quan hệ tình dục sớm nhưng nhiều bạn trẻ chưa có ý thức tránh thai nên dẫn đến việc mang thai ngoài ý muốn; đa số lựa chọn phá thai.
Bác sĩ sản phụ khoa Lê Thị Kim Dung, Trung tâm Y tế lao động (Hà Nội), cho biết, với sự phổ biến của các que thử thai ngày nay thì đa số chị em đi làm thủ thuật nạo hút khi thai còn bé, dưới 12 tuần. Những trường hợp này có cả ở vị thành niên, người chưa hoặc đã lập gia đình. Lý do được ra phổ biến là chưa có chồng, bạn trai không đồng ý cưới, không có điều kiện kinh tế, con vừa sinh còn nhỏ...
"Những trường hợp phá thai to thường rơi vào các tình huống như: trì hoãn việc bỏ thai để ép bạn trai cưới, bà mẹ cho con bú chưa có kinh nguyệt trở lại nên có thai lớn mới biết. Một số do lựa chọn giới tính thai nhi... Chỉ một số ít những trường hợp phá thai là do dị tật thai nhi, hoặc thai chết lưu, thai kém phát triển", bác sĩ Dung cho biết.
Chung quan điểm này, tiến sĩ Lê Thị Thu Hà, Bệnh viện Từ Dũ TP HCM cho biết, hiện nay giáo dục giới tính còn chưa được phổ cập ở các trường trung học. Nhiều bạn gái chưa nhận thức được về vấn đề mang thai, nguy cơ của việc phá thai, đặc biệt là các trẻ vị thành niên. Kiến thức về biện pháp tránh thai chưa tốt. Mặc dù hiện nay có nhiều thông tin về biện pháp tránh thai hiện đại nhưng vẫn còn một số không nhỏ các bạn gái, đặc biệt là lứa tuổi vị thành niên còn chưa nhận thức được. Ngay cả các chị đã từng có con vẫn còn chưa hiểu rõ cách tránh thai. Thực tế vẫn có những chị cho rằng rửa vùng kín sau khi giao hợp hoặc nhảy lò cò sau giao hợp là cách để tránh thai. Việc sử dụng các biện pháp tránh thai còn hạn chế do nhiều yếu tố khác nhau như ngại đi mua bao cao su, sợ đau khi đặt vòng, sợ tăng cân do uống thuốc tránh thai...
Theo bác sĩ Thu Hà, phá thai càng lớn, nguy cơ gặp các tai biến như nhiễm trùng (do thực hiện trong điều kiện không được vô trùng, do sót nhau, do điều kiện vệ sinh của bản thân kém), băng huyết, thủng tử cung, dính buồng tử cung gây vô sinh, vô kinh về sau... càng tăng. Không những thế, các bà mẹ còn có thể gặp nhiều vấn đề tâm lý khi phá bỏ một bào thai quá lớn, có người rơi vào trầm cảm ảnh hưởng đến việc học tập, cuộc sống sau này.
Các chuyên gia khuyến cáo, "phòng bệnh hơn chữa bệnh", nếu chưa muốn sinh con, nên dùng biện pháp tránh thai. Để lựa chọn biện pháp tránh thai phù hợp, các chị em có thể đến cơ sở y tế có chuyên khoa sản để được nhân viên y tế khám và tư vấn. Nếu đã lỡ có thai ngoài ý muốn thì lên lựa chọn chấm dứt thai kỳ ở tuổi thai sớm.
Xuất phát từ những thực trạng này, dự thảo Luật Dân số đã xây dựng các quy định điều kiện phá thai, với mong muốn hạn chế tình trạng phá thai quá dễ dãi, góp phần làm tăng trách nhiệm phòng tránh mang thai ngoài ý muốn. Đây cũng là giải pháp hạn chế sự lợi dụng phá thai để lựa chọn giới tính thai nhi. Tuy nhiên điều nay đang gây nhiều tranh cãi vì khó thực hiện khi phải chứng minh bị hãm hiếp, loạn luân... mới được phá thai trên 12 tuần tuổi. Việc từ chối phá thai lớn tuổi có thể ở cơ sở y tế lớn có thể khiến thai phụ tìm đến các địa điểm khác và đứng trước các nguy cơ tai biến nhiều hơn.
Lê Phương - Phương Trang