
Các nhân viên cứu hộ tại hiện trường vụ tai nạn phà Sewol. Ảnh: Reuters.
Kết quả điều tra sơ bộ hiện nay cho thấy nguyên nhân dẫn đến vụ tai nạn rất có thể là do sai sót của đội lái tàu và sâu xa hơn là những thiếu sót trong công tác giám sát quản lý hoạt động thương mại của Hàn Quốc.
Một nghị sĩ thuộc đảng đối lập Hàn Quốc hôm qua công bố số liệu cho thấy trọng lượng vận tải thực tế của phà Sewol gấp ba lần mức tối đa mà phương tiện này được phép chuyên chở. Tuy nhiên, hiện chưa có kết luận nào cho thấy đây liệu có phải là nguyên nhân dẫn đến vụ tai nạn hay không.
Theo New York Times, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye đã lên tiếng chỉ trích hành vi dung túng của cơ quan giám sát nước này với các doanh nghiệp vận tải đã gián tiếp dẫn đến sự việc đáng tiếc trên. Sewol là một trong những tai nạn thảm khốc nhất trong thời bình của Hàn Quốc.
Thủ tướng Hàn Quốc Chung Hong-won còn liệt kê một loạt vấn đề cụ thể vốn có thể được giải quyết nếu công tác giám sát tiến hành chặt chẽ hơn, như chủ sở hữu Sewol đã tự tiện cải tạo nhằm tăng số ghế hành khách, khiến kết cấu phà không cân đối, rất dễ lật.
Dư luận giận dữ và bất mãn được phản ánh trên hàng loạt các phương tiện truyền thông Hàn Quốc, chủ yếu tập trung phê phán những thiếu sót trong công tác quản lý giám sát.
Nhật báo JoongAng đăng xã luận có tựa đề "Chúng ta là một xã hội an toàn hay dân tộc hạng ba". Nhật báo Dong-A có bài "Hãy khóc đi, Hàn Quốc", cho rằng Tổng thống Park Geun-hye nên thực hiện lời hứa khi tranh cử, xây dựng "một chính phủ chú trọng an toàn".

Gian lều đặt thi hài nạn nhân phà Sewol để gia đình đến nhận dạng. Ảnh: New York Times.
Người dân Hàn Quốc trong nhiều năm tự trào phúng đất nước mình là "quốc gia của tai nạn". Nhiều người cho rằng hàng loạt vụ tai nạn trước đây có một phần nguyên nhân là bởi thiếu sót trong quản lý, hoặc thái độ coi nhẹ công tác đảm bảo an toàn của giới chức, hoặc tác động tổng hợp của hai nhân tố trên.
Năm 1993, một máy bay của hãng Asiana Airlines đâm vào núi khiến 68 hành khách thiệt mạng. Nơi diễn ra vụ việc trên cách hiện trường chìm phà Sewol không xa. Cũng trong năm đó, một con phà chở vượt tải trọng bị chìm, khiến 292 người thiệt mạng.
Năm 1994, một vụ sụp cầu tại thủ đô Seoul khiến 32 người chết. Năm 1995, 101 người mất đi sinh mạng trong một vụ nổ khí gas. Cùng năm đó, chủ một siêu thị cũng tại Seoul xây dựng trái phép bể bơi trên trần tòa nhà, làm yếu kết cấu kiến trúc dẫn đến sụp trần, 501 người chết. Hai năm sau, một máy bay của hãng Korean Air rơi xuống biển khi bay qua Guam, 228 người thiệt mạng.
Vụ việc gần đây nhất diễn ra vào năm 2003, 192 người thiệt mạng trong một vụ cháy tàu điện ngầm. Từ đó đến nay, Hàn Quốc không còn xuất hiện các vụ tai nạn quy mô lớn nữa.
"Người ta nghĩ rằng quốc gia này đã thoát khỏi lời nguyền và từ bỏ nét văn hóa sống gấp, giải thích cho xu hướng thích đi đường tắt, nhanh chóng hoàn thành công việc", bình luận viên Choe Sang-hun của New York Times cho biết.
Đây cũng chính là lý do khiến người dân Hàn Quốc cảm thấy phẫn nộ trước vụ tai nạn phà Sewol, đặc biệt với việc thuyền trưởng Lee Jun-seok và tổ lái tự thoát thân trước, trong khi hàng trăm hành khách bị yêu cầu ở lại trong khoang.
Nhiều nhà phân tích cho rằng, sự việc lần này đã gióng lên hồi chuông cảnh cáo. Hàn Quốc tuy đã trở thành cường quốc kinh tế với nền khoa học kỹ thuật cao, vẫn chưa từ bỏ nét văn hóa không coi trọng tuân thủ pháp luật trong giám sát an toàn. Không ít quan chức chính phủ coi lĩnh vực an toàn công cộng là công việc thứ yếu.

Một chiếc phà khác của công ty Chonghaejin, sở hữu phà Sewol, đậu tại cảng ở Incheon. Ảnh: Reuters.
Mỗi năm, Hàn Quốc có khoảng 31.000 người thiệt mạng vì tai nạn, chiếm 12,8% tỷ lệ tử vong cả nước, mà trong đó gần một phần mười là học sinh. Con số trên thuộc hàng cao nhất trong các nước phát triển.
Trong môi trường chung đầy cạnh tranh, xã hội Hàn Quốc coi tiêu chuẩn của thành công là hoàn thành công việc với tốc độ nhanh nhất và giá thành thấp nhất có thể. Vì vậy, việc tiêu tốn thời gian và tiền bạc nhằm tuân thủ các quy định lại được cho là việc làm giảm thiểu ưu thế cạnh tranh.
"Quốc gia này phát triển nhanh đến như vậy, khiến con người phải tìm lối đi tắt. Đây đồng nghĩa với việc ngồi đợi tai nạn ập đến", ông Thomas Coyner, thành viên Phòng thương mại Mỹ về Hàn Quốc, nhận định.
Cũng chung quan điểm trên, Giáo sư Kim Chang-je thuộc Đại học Hàng hải Hàn Quốc cho rằng, các quy tắc và cơ chế an toàn của Hàn Quốc được thiết lập theo tiêu chuẩn quốc tế, nhưng việc thực hiện lại không hiệu quả. "Vụ Sewol bộc lộ tất cả vấn đề của ngành vận tải phà Hàn Quốc", chuyên gia này nói.
Theo đó, việc chấp hành không hiệu quả liên quan trực tiếp đến mối quan hệ phức tạp giữa Bộ Hải dương và Ngư nghiệp Hàn Quốc với Hiệp hội Tàu thuyền Hàn Quốc cùng các công ty vận tải biển.
Hiệp hội trên là một tổ chức vận động hành lang, được tài trợ bởi các công ty vận tải biển và phục vụ cho lợi ích của những doanh nghiệp này. Ngoài ra, rất nhiều quan chức cấp cao thuộc bộ chủ quản gia nhập tổ chức này sau khi về hưu. Hiệp hội có trách nhiệm kiểm tra mức độ an toàn của tàu bè và hàng hóa chở theo, đồng thời chịu sự quản lý của Bộ Hàng hải và Ngư nghiệp.
"Nếu Hiệp hội Tàu tuyền Hàn Quốc không thể trở thành một cơ quan độc lập, chúng ta đừng hy vọng gì về việc các quy định an toàn được chấp hành đầy đủ", chuyên gia an toàn hàng hải Jung Yun-chul kết luận.
Đức Dương