Trong một giờ địa lý, địa chất và ngôn ngữ, học sinh xác định các nước khác nhau trên bản đồ và thảo luận về khí hậu từng nước, hoàn toàn bằng tiếng Pháp.
Không còn cảnh tượng ngồi thụ động trước mặt giáo viên, nghe giảng, ghi chép và chờ được hỏi nữa, thay vào đó, các em sẽ chia ra làm nhiều nhóm nhỏ, thảo luận cách giải quyết vấn đề. Cách làm này giúp cải thiện kỹ năng giao tiếp của học sinh.
Phương pháp 'học theo chủ đề" hiện đang áp dụng cho tất cả trẻ em trên 16 tuổi tại các trường trung học khắp Helsinki, thủ đô Phần Lan.
Thay vì học từng môn truyền thống như toán, lý, lịch sử riêng lẻ, các em sẽ học tất cả những môn này theo "chủ đề hiện tượng". Chẳng hạn, khi học chủ đề Liên minh châu Âu, những kiến thức về kinh tế, lịch sử, ngôn ngữ, địa lý của các quốc gia thành viên, sẽ được lồng ghép vào bài dạy.
Ngoài ra, trường học cũng tổ chức các lớp theo chủ đề hướng nghiệp. Chẳng hạn như để mở một quán cà phê, các em sẽ được rèn luyện kỹ năng tính toán, ngoại ngữ để phục vụ khách nước ngoài, kỹ năng viết và giao tiếp.
"Đây là sự thay đổi lớn trong giáo dục ở Phần Lan mà chúng tôi chỉ mới bắt đầu", Liisa Pohjolainen, phụ trách chương trình giáo dục người trưởng thành và thanh thiếu niên của Helsinki, cho biết.
Pasi Silander, giám đốc sở phát triển thủ đô giải thích: "Cái chúng tôi cần bây giờ là loại hình giáo dục kiểu mới để trang bị cho các em vào đời."
"Thanh niên ngày nay biết sử dụng những máy tính hiện đại. Ngày trước, ngân hàng phải thuê kế toán ngồi cộng đếm từng con số, nhưng giờ đây điều đó hoàn toàn thay đổi. Vì thế, chúng tôi phải thay đổi cách giáo dục phù hợp với xã hội công nghiệp và hiện đại."
Phần Lan là một trong những quốc gia có hệ thống giáo dục thành công nhất thế giới. Học sinh Phần Lan thường đứng đầu môn làm toán và tập đọc trên các bảng xếp hạng quốc tế. Quốc gia này luôn đi đầu trong lĩnh vực cải cách giáo dục theo phương pháp cấp tiến nhất.
"Hiện vẫn còn nhiều trường áp dụng phương pháp giảng dạy cũ từ những năm 90, nhưng nhu cầu hiện nay đã khác, chúng tôi cần thứ gì đó phù hợp hơn cho thế kỷ 21," bà Marjo Kyllonen, giám đốc sở giáo dục Helsinki, cho biết.
"Chúng tôi phải thay đổi suy nghĩ về giáo dục và thiết kế lại hệ thống giảng dạy để chuẩn bị cho trẻ em những kỹ năng cần thiết cho hôm nay và mai sau", bà Kyllonen nói. Bà cho biết thêm, những cải cách này dự kiến sẽ được áp dụng vào tất cả các trường học ở Phần Lan năm 2020.
Trong khi đó, nhiều trường tiểu học ở Helsinki đã sớm tiếp cận với phương pháp mới. Siltamaki là một trong số đó, trường có 240 học sinh trong độ tuổi từ 7-12.
Bước vào trường là quang cảnh một số em ngồi chơi cờ vua ngoài hành lang, còn một số em khác đang chạy xung quanh, thu thập những thông tin khác nhau về từng vùng của châu Phi.
"Chúng tôi muốn học sinh học tập trong môi trường an toàn, hạnh phúc, thoải mái và tràn đầy hứng khởi", Anne Mari Jaatinen, hiệu trưởng nhà trường giải thích. Cô mong muốn học sinh tương tác, giao tiếp nhiều hơn để phát triển các kỹ năng tư duy sáng tạo và gọi đó là phương pháp "học mà chơi, chơi mà học".
Hồng Hạnh (theo Independent/News)