Những nhà tổ chức đô thị đã tập hợp một danh sách các doanh nhân lớn, các học giả xuất sắc và các nghệ sĩ độc đáo bậc nhất thế giới. Viện nghiên cứu này khẳng định, Bắc Kinh hiện đã trở thành nhà của 108 người trong danh sách trên. Họ nuôi tham vọng con số này sẽ lên tới 200 người vào năm 2030.
Tôi thấy cách tư duy chiến lược này rất phù hợp với hai thành phố lớn của Việt Nam là Hà Nội và Sài Gòn. Dù điều tôi sắp nói có thể gây ngạc nhiên cho một số độc giả: Sự phát triển của đô thị lớn kết dính mật thiết với cuộc tranh luận đang diễn ra, rằng liệu các tòa nhà có giá trị kiến trúc hay lịch sử trong lõi của chúng có nên được bảo tồn.
Cuộc tranh luận sôi nổi hiện nay về việc có nên phá hủy dinh Thượng Thơ tại Sài Gòn là một trường hợp điển hình. Đối với một số người, các tòa nhà cũ như dinh Thượng Thơ mang vẻ thanh thoát, dễ chịu và là một phần của ký ức cộng đồng; việc phá hủy chúng sẽ làm mất đi một phần linh hồn của thành phố. Đối với những người khác, phát triển kinh tế là ưu tiên hàng đầu. Và những mảnh đất mà các tòa nhà này chiếm giữ là quá giá trị để hy sinh cho những cân nhắc tình cảm.
Tuy nhiên, kinh tế học đô thị hiện đại cho thấy cách tiếp cận "hoặc là cái này hoặc là cái kia" trong cuộc tranh luận hiện tại ở Việt Nam là sai. Bảo tồn kiến trúc có thể không phải là kẻ thù của phát triển kinh tế. Mà hơn thế, nó là một đóng góp mạnh mẽ cho phát triển kinh tế.
Khoảng hai thập kỷ trước, Edward Glaeser, một trong những nhà tư tưởng hàng đầu trong kinh tế học đô thị, đã phỏng đoán rằng giá trị của đất đô thị tăng lên cùng với "mức độ thú vị" của nơi đó. Cá tính của thành phố, bao gồm cả cảm thức về nơi chốn - thứ cảm xúc được nảy nở từ kiến trúc, cảnh quan, là một phần quan trọng trong "mức độ thú vị" của thành phố.
Thành phố càng có nhiều sự đặc sắc, nhiều cá tính, đất đai càng có giá trị và do đó người dân giàu có hơn. Trong một thời gian khá lâu, đây chỉ là một phỏng đoán. Chỉ có những bằng chứng gián tiếp nhỏ để hỗ trợ nó. Ví dụ: chúng ta đều biết rằng các thành phố có mức độ thú vị tuyệt vời, như London hay Paris, đã phát triển nhanh hơn các thành phố khác.
Một nghiên cứu gần đây đã sử dụng dữ liệu từ các giao dịch bất động sản thật ở Hong Kong. Nghiên cứu đã phát hiện ra rằng đất của các cửa hàng bán lẻ gần công trình kiến trúc nổi tiếng đã được trùng tu thì đắt hơn 15% so với các cửa hàng ở nơi khác. Lợi tức tăng thêm này lan tỏa trong một phạm vi lên đến 350 mét tính từ các công trình tâm điểm. Các nghiên cứu tương tự đã được tiến hành cho các thành phố châu Âu, xác nhận rằng các thành phố có kiến trúc đặc sắc thì đất có giá hơn.
Ở các nước thu nhập thấp, các thành phố chủ yếu là các trung tâm sản xuất. Họ tổ chức các nhà máy, nhà kho, hãng vận tải, cửa hàng... Các nhà quản lý cấp trung, những người điều hành dây chuyền sản xuất và những nhân viên tương đối không chuyên làm việc trong đó, có thể không quan tâm nhiều đến di sản kiến trúc, hay cảm thức về nơi chốn mà thành phố mang lại. Họ chỉ muốn tìm nhà ở giá rẻ và tránh đi lại xa xôi.
Với những thành phố ở cấp độ phát triển này, việc phá hủy các tòa nhà lịch sử thấp tầng để dựng lên các tòa chung cư và cao ốc văn phòng có vẻ hợp lý. Lợi tức tăng thêm cho bất động sản nhờ sự thú vị khá thấp. Và từ góc nhìn kinh tế, việc bảo tồn kiến trúc có vẻ quá đắt đỏ.
Nhưng ở các nước có thu nhập cao, các thành phố là những trung tâm sáng tạo. Các hoạt động chính không phải là sản xuất, vận tải hoặc phân phối nữa. Các doanh nghiệp đóng góp vào sự giàu có của thành phố là các công ty phần mềm, các trường đại học, trung tâm giải trí... Và những doanh nhân, các nhà nghiên cứu, những nhân tố truyền thông giúp tạo ra rất nhiều sự đặc sắc cho thành phố mà họ sống. Bởi những người này coi trọng kiến trúc và cảm thức về nơi chốn, nên lợi tức tăng thêm cho bất động sản nhờ sự thú vị là khá lớn. Thu nhập là khổng lồ, cho thuê nhà ở rất đắt... Và thành phố giàu có.
Các thành phố toàn cầu cạnh tranh bằng những người sáng tạo, như đã nói đến ở trường hợp Bắc Kinh. Nhưng những con người tinh hoa có nhu cầu cao, và họ có nhiều lựa chọn về các nơi để sống. Những người tinh tường này có khuynh hướng thích những thành phố lạ, không chỉ là các đô thị chức năng với đầy cao ốc.
Câu hỏi đặt ra cho Hà Nội và Sài Gòn là liệu họ có muốn mãi mãi là các trung tâm sản xuất hay họ sẽ nuôi khát vọng trở thành những trung tâm sáng tạo. Một trong những tài sản lớn mà hai thành phố lớn của Việt Nam có được trong cuộc cạnh tranh thu hút tài năng toàn cầu là các di sản châu Âu của họ.
Hiện chỉ có một thành phố lớn duy nhất ở châu Á có tài sản kiến trúc tương đương với Hà Nội và Sài Gòn là Thượng Hải. Sự pha trộn hài hòa giữa ảnh hưởng của phương Đông và phương Tây được cho là một trong những “thương hiệu” tốt nhất của những nơi này.
Tuy nhiên, những tài sản này là có giới hạn. Hiện chỉ còn khoảng một nghìn biệt thự và công sở của Pháp ở Hà Nội, khoảng vài ba chục tòa nhà và nhà thờ với tầm vóc như dinh Thượng Thơ ở TP HCM. Nếu những tài sản này bị hy sinh chỉ để có thêm đất cho căn hộ và văn phòng, sự mất mát sẽ không thể đảo ngược. “Cá tính” của đô thị có thể dễ dàng bị phá hủy, nhưng không dễ dàng khôi phục.
Vì thế, việc không bảo vệ di sản kiến trúc và lịch sử của Hà Nội và Sài Gòn có thể là một quyết định kinh tế tồi tệ.
Martin Rama