Tại bến đò Tắc Suất (thị trấn Cần Thạnh, Cần Giờ) công nhân đang đóng các cột bêtông rộng 0,5 m, dài hơn 5 m sát bờ biển, san lấp mặt bằng để lắp ráp cầu dẫn, cầu phao và xây dựng nhà chờ bến phà. Đây là nơi xuất phát tuyến phà biển dài khoảng 15 km đến bến ở Vũng Tàu đặt gần trụ sở Cảng vụ hàng hải Vũng Tàu (phường 1, Vũng Tàu).
Dự kiến có hai phà cỡ lớn chở được 350 người, 20 ôtô, 100 xe máy, hàng hóa... hoạt động. Mỗi ngày có 24 chuyến (một giờ một chuyến).
Theo ông Hà Thanh Sơn (Trưởng phòng Quản lý giao thông đường thủy, Sở Giao thông Vận tải TP HCM), đây là dự án xã hội hóa, doanh nghiệp đầu tư nên giá vé do doanh nghiệp ấn định. Do ảnh hưởng của Covid-19, tiến độ xây dựng bến tại TP HCM bị trễ, đơn vị thi công đang hoàn thiện các hạng mục hạ tầng cuối cùng. Khi xong, tuyến phà sẽ hoạt động ngay vì bến ở Vũng Tàu đã có sẵn cầu dẫn, kết nối vào cầu cảng hiện hữu.
Ông Nguyễn Quốc Chánh (Giám đốc Công ty Quốc Chánh, chủ đầu tư tuyến phà biển) cho biết đã đề xuất Sở Giao thông Vận tải mức giá 50.000 đồng một lượt. Tuy nhiên đây chỉ là giá dự kiến, sẽ được xây dựng phù hợp, tạo điều kiện cho người dân di chuyển. Phà biển giúp người dân thêm sự lựa chọn đi lại, tiết kiệm phí đường bộ, xăng dầu... giải quyết ùn tắc giao thông.
Phà biển TP HCM – Vũng Tàu cũng rút ngắn thời gian từ Long An, Tiền Giang đến Vũng Tàu, thay cho tuyến đường bộ qua cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây. Người dân hai tỉnh này có thể đi từ huyện Cần Giuộc (Long An) qua phà Cần Giờ - Cần Giuộc, đi tiếp khoảng 40 km đến bến Tắc Suất, tổng thời gian khoảng 2 giờ 30 phút.
Hà An