Hiện trường ở thành phố Bao Đầu, khu tự trị Nội Mông Cổ không có điện thoại hay giấy tờ tùy thân để xác định thân phận nạn nhân.
Trong các vụ án tương tự, xác định được danh tính nạn nhân, việc
phá án sẽ thuận lợi hơn rất nhiều. Tuy nhiên để biết được nạn nhân là ai, nhiều
lúc không phải việc đơn giản, trong vụ án này người phụ nữ bị đánh bầm tím, không thể nhận dạng, cũng khó xác định tuổi. Cảnh sát chỉ có thể nhận định tuổi tương đối trẻ dựa vào cách ăn mặc.
Lúc này đang là mùa đông, nhiệt độ ban đêm rất lạnh, nhưng cảnh sát phát
hiện hai điểm khác thường: Nạn nhân đi ủng mà không đi tất; bên trong quần nỉ và áo phao là quần áo mặc ở nhà. Ngoài ra vị trí phát hiện xác cũng rất đáng chú ý, cách đó khoảng một trăm mét là bệnh viện, cách vài chục mét có hiệu thuốc.
Căn cứ chi tiết trên, cảnh sát cho rằng có thể nạn nhân ở khu vực gần đây, thường xuyên bị bạo hành gia đình. Trước ngày xảy ra vụ án, cô bị đánh gây thương tích nặng nên vội vàng khoác áo, xỏ ủng tự đi đến bệnh viện hoặc đi mua thuốc. Nhưng chưa đến nơi, cô đã gục ngã bên đường rồi qua đời.
Dựa theo giả thiết này, cảnh sát đến từng nhà xung quanh xem có người mất tích nào không, đồng thời trích xuất camera tại các giao lộ gần đó để tìm bóng dáng nạn nhân. Tuy nhiên, khu vực vài cây số quanh hiện trường vụ án này không có người nào mất tích, camera cũng không ghi lại được hình ảnh nạn nhân.
Lúc này pháp y đưa ra báo cáo khám nghiệm khiến cảnh sát phải chuyển
hướng điều tra. Nạn nhân chết vì tổn thương đa tạng dẫn đến nội xuất huyết, nhưng đến khi phát hiện thì đã chết ít nhất 24 tiếng. Điều này có nghĩa nếu đây là hiện trường đầu tiên chắc chắn đã có người phát hiện vì nạn nhân nằm ở đó từ sáng sớm hôm trước. Vì vậy chỉ có một khả năng, cô bị đưa đến đây vứt xác. Khu vực xung quanh không có người mất tích, nạn nhân phải ở cách đây khá xa, kẻ vứt xác phải có phương tiện, chẳng hạn ôtô.
Tại sao hắn có xe mà lại chọn địa điểm vứt xác bên lề con đường đông đúc mà không phải ở khu vực hoang vắng khó bị phát hiện? Tại hiện trường cảnh sát còn phát hiện nhiều mảnh giấy bị xé nhỏ, trên đó có chữ và những con số. Sau hơn hai tiếng ghép lại những mảnh giấy này với sự hỗ trợ của kính hiển vi điện tử, điều tra viên phát hiện trên tờ giấy có ba dãy số điện thoại di động.
Họ thử liên lạc với những thuê bao này, hy vọng có thể tìm được manh mối. Cả ba số điện thoại đều liên lạc được bình thường, ba chủ thuê bao là người địa phương ở gần đây. Tờ giấy bị xé là của một đối tác cùng làm ăn với ba người này. Tối hôm trước bốn người hoàn thành một vụ làm ăn và đi liên hoan, trên đường về đối tác xé giấy vứt xuống vỉa hè vì đã lưu số vào danh bạ. Cả bốn người cũng như tờ giấy đều không liên quan đến vụ án, nhưng vẫn cung cấp cho cảnh sát thông tin quan trọng. Lúc đối tác xé tờ giấy vứt xuống vỉa hè là gần nửa đêm 23/12, trên vỉa hè không có người nào. Thời gian nạn nhân được phát hiện là 6h sáng ngày 24/12. Như vậy thời gian vứt xác từ 11h đêm hôm trước đến 6h sáng.
Phía trước vị trí nạn nhân có một camera giao thông, tuy góc quay không tới vị trí này nhưng có thể nhìn thấy ánh đèn xe vào ban đêm. Lúc 5h15 ngày 24/12, có một chiếc xe dừng lại hiện trường, sau đó tắt đèn. Gần hai phút sau xe lại sáng đèn, tiếp tục chạy qua vị trí của camera. Do chất lượng camera không tốt, trời tối, lại bị ảnh hưởng bởi ánh đèn nên cảnh sát chỉ có thể xác định đó là chiếc sedan.
Thông qua camera tại một giao lộ trước đó, cảnh sát xác định được 57 chiếc sedan đi qua đây, trong số đó có thể là xe của nghi phạm vứt xác. Tuy nhiên cảnh sát đặc biệt chú ý đến một chiếc Honda Accord màu đen biển kiểm soát 61436 vì lái xe hạ tấm che nắng xuống khi trời vẫn còn tối.
Theo thông tin từ hệ thống, cảnh sát lại phát hiện đó là biển kiểm soát của một chiếc Toyota màu trắng. Chủ xe bị đánh cắp biển số ngay trước ngày xảy ra vụ án và đã báo cảnh sát. Mức độ tình nghi của chiếc xe đen lập tức tăng lên rất cao, nhưng vấn đề là làm thế nào tìm được chủ xe?
Quan sát kĩ hình ảnh chiếc xe, cảnh sát phát hiện chiếc xe có một đặc điểm nhận dạng rất rõ. Bên trái biển số phía trước, phía dưới đèn xe có một mảng tróc sơn hình dạng bất quy tắc, có vẻ đã tương đối cũ. Quyết định bỏ qua biển số, nhà chức trách chỉ tìm theo đặc điểm nhận dạng này. Đây là lượng công việc khổng lồ, toàn bộ thành viên ban chuyên án đều phải tham gia vào quá trình nhận dạng, mỗi người đều được giao hai ổ cứng di động chứa đầy video giám sát.
Sau một tháng rưỡi sàng lọc, ngày 8/2/2012, một cảnh sát tìm được chiếc xe tương tự nhưng mang kiểm kiểm soát 18790. Nỗ lực không mệt mỏi suốt một thời gian dài được đền đáp. Cảnh sát tìm được chủ xe, được biết chủ xe đã bán xe cho một người câm điếc tên Đỗ Quốc Phương, kẻ cầm đầu một băng trộm cắp gồm toàn những người câm điếc, trải rộng khắp bốn thành phố lớn tại Nội Mông Cổ.
Từ đây, Phương được xác định là thủ phạm. Nạn nhân mang họ Cao, mới 19 tuổi, cũng là người câm điếc. Các thành viên trong băng nhóm bị Phương ép phải đi móc túi, trộm cắp mang về nộp cho hắn.
Nếu người nào kiếm được ít hoặc không nghe lời là sẽ bị đánh đập. Tối 22/12/2011, trong lúc bị đánh, Cao có thái độ phản ứng quyết liệt nên bị Phương hành hạ đến chết. Hôm sau, Phương giao xe cho cho hai thủ hạ là Trương Quốc Văn và Trần Vĩ mang xác đi vứt.
Với sự hỗ trợ của các chuyên gia trường khuyết tật, việc hỏi cung diễn ra tương đối thuận lợi. Văn và Vĩ cho biết, cùng Cao sống cùng trong băng nhóm một thời gian dài, thấy Cao bị đánh cũng rất thương nhưng không làm gì được. Lúc đánh xe đi, hai tên cho rằng cô còn chưa chết hẳn, nên cố ý mang đến vứt gần cổng bệnh viện, mong có người sẽ phát hiện sớm và cứu sống.
Khang Diệp (theo CCTV)