Tháng 5/1948, June Anne Devaney bị viêm phổi khi mới 3 tuổi 11 tháng, được cha mẹ đã đưa đi khám tại Bệnh viện Queen's Park ở thị trấn Blackburn, thành phố Lancashire.
Sau 10 ngày điều trị nội trú, đến 14/5, sức khoẻ bé cải thiện nhiều và được bác sĩ chỉ định xuất viện vào hôm sau. Lúc 1h30’ ngày 15/5/1948, nữ y tá thấy cánh cửa khu nhi mở bất thường nên vào kiểm tra.
Cũi của June trống rỗng, xung quanh là những dấu chân người lớn xỏ trong tất in rõ trên sàn. Mặt bên của cũi được dựng lên, có nghĩa ai đó đã đưa cô bé khỏi đây.
Tìm kiếm bệnh nhi trong 30 phút không có kết quả, nhân viên mới gọi cảnh sát. Ngay sau đó, lúc 3h17’, cách khu điều trị chừng 100 m, nhà chức trách tìm thấy thi thể June nằm úp mặt xuống cỏ, bên cạnh là bức tường đá sa thạch cao dính nhiều máu.
Cảnh sát biết rằng đây không phải là tội phạm thông thường, khi nạn nhân chỉ là đứa trẻ. Một chai thuỷ tinh đựng dược phẩm được phát hiện gần cũi của June với một số dấu vân tay trên đó nhưng chúng không khớp với dấu vân tay của 2.000 người đã vào bệnh viện những ngày đó.
Vụ án gây xôn xao khắp nước Anh. Các gia đình không dám rời mắt khỏi con, dù là ban ngày, các ngôi nhà ở thị trấn cũng khép cổng chặt.
Hai ngày sau khi phát hiện ra thi thể June, cảnh sát lùng sục khắp các khu đồng hoang ở Lancashire xung quanh thị trấn Blackburn và theo dõi các con đường, bến cảng nhưng vẫn không có manh mối.
Cảnh sát quyết định sẽ làm một việc chưa từng có tại thời điểm đó: Thu thập dấu vân tay của mọi nam giới, từ 16 tuổi trở lên, ở thị trấn Blackburn và đối chiếu thủ công. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử nước Anh, "chiến dịch" lấy dấu vân tay hàng loạt được áp dụng để điều tra tội phạm.
Đầu tháng 8, hơn 2 tháng sau vụ án mạng, 20 cảnh sát được huy động đến gõ cửa hơn 35.000 ngôi nhà và thu thập hơn 46.000 dấu vân tay. Họ làm việc ngày đêm, nhưng không có dấu vân tay nào trùng khớp với mẫu trên chai thuỷ tinh.
Mọi chuyện tưởng như đã bế tắc khi danh sách lấy dấu vân tay chỉ còn chưa đầy 100 người nữa. Sáng 11/8, theo kế hoạch, cảnh sát đến phố Birley, lấy mẫu của thanh niên 22 tuổi, tên Peter Griffiths. Khi được xác định có dấu vân tay trùng khớp, anh này lập tức bị bắt.
Ban đầu, Peter phủ nhận tất cả cáo buộc, nhưng khi cảnh sát nói về sự trùng khớp dấu vân tay, hắn nhún vai thú nhận: "Chà, nếu đó là dấu vân tay của tôi, tôi sẽ kể cho các ông nghe tất cả".
Không có gì bất thường hoặc kỳ lạ về cuộc đời của Peter Griffiths. Anh ta sinh tháng 3/1926, phục vụ trong Lực lượng Vệ binh xứ Wales khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc vào năm 1945.
Ở tuổi 18, Peter có khuôn mặt tươi tắn và ngây thơ nhưng ba năm sau, khi xuất ngũ, anh ta trở về trong dáng vẻ của người đàn ông lầm lì khó chuyện trò, sống cùng cha mẹ trong khu lao động nghèo.
Đêm 14/5/1948, Peter uống rượu một mình ở thị trấn đến khi quán đóng cửa lúc nửa đêm. Trong trạng thái hoàn toàn say xỉn, anh ta đi dạo bộ xung quanh để "tỉnh táo" trước khi trở về nhà.
Một người đàn ông vô tình thấy anh ta trong tình trạng này song không thể hỏi được địa chỉ để đưa về nhà nên đã dìu vào xe ôtô, chở thẳng đến Bệnh viện Queen's Park.
Peter bước vào trong khu viện nhi, nhặt chai thuỷ tinh trên bàn để làm vũ khí phòng khi bị nhân viên bệnh viện phát hiện. Kẻ sát nhân từ chối kể về những gì anh ta đã làm với June, chỉ nói gây án khi cô bé khóc lớn vì bị bắt đi.
Hắn ta không mấy hối hận, đổ lỗi cho tình trạng say xỉn, song cuối cùng vẫn nói: "Tôi hy vọng nhận được những hình phạt xứng đáng".
Tại một tiệm cầm đồ, cảnh sát cũng tìm thấy được bộ quần áo mà anh ta mặc vào đêm xảy ra án mạng có vết máu khô, khớp với vết máu trên quần áo của June. Sợi quần áo cũng khớp với những sợi vải được tìm thấy trên cơ thể đứa trẻ, quần áo và gờ cửa sổ nơi Peter bước vào hiện trường.
Ngày 14/8, đúng 3 tháng sau vụ án mạng, khi Peter Griffiths bị xét xử, hơn 1.000 người dân hiếu kỳ đứng vây kín phòng xét xử. Bồi thẩm đoàn chỉ mất 22 phút để tuyên bố bị cáo 22 tuổi phạm tội Giết người, phạt tử hình. Hắn không kháng cáo.
Hải Thư (Theo Solved Crimes)